Ngày 02/02/2023, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với chuyên gia, nhà nghiên cứu, TS. Nguyễn Đức Hiệp (Sở Kế hoạch và Môi trường bang New South Wales (Úc) tổ chức hội thảo "Làm thế nào để thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đáng sống?”
Hội thảo quy tụ lãnh đạo và giảng viên các Khoa của Trường Đại học Văn Lang: Khoa Môi trường, Khoa Kiến trúc, Khoa Xây dựng, Khoa Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh, Khoa Nghệ thuật ứng dụng, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Khoa Xã hội và Nhân văn, Viện Khoa học tính toán và trí tuệ nhân tạo,...
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu khai mạc hội thảo và chia sẻ: “Trong những năm qua, Trường Đại học Văn Lang đầu tư vào các công trình nghiên cứu khoa học, các dự án, hoạt động cộng đồng nhằm đóng góp vào sự thay đổi cho môi trường sống không chỉ ở Văn Lang mà còn cho các quận nơi tọa lạc các cơ sở của Trường. Mong rằng, trong thời gian tới, những đóng góp nhỏ của cộng đồng Văn Lang phần nào giúp cho công cuộc cải tiến Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị đáng sống”.
Với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu đa dạng các lĩnh vực xoay quanh vấn đề ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, di sản văn hóa và lịch sử Sài Gòn, nhà khoa học, TS. Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ cùng giảng viên Trường Đại học Văn Lang nhiều nội dung quan trọng về khái niệm “thành phố hạnh phúc” trên thế giới nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
TS. Nguyễn Đức Hiệp trình bày khái niệm “Thành phố hạnh phúc” thông qua những đánh giá dựa trên tiêu chuẩn quốc tế bao gồm sự ổn định trật tự, y tế sức khỏe cộng đồng, giáo dục và môi trường; qua đó cho thấy Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị được đánh giá cao về trật tự xã hội, y tế sức khỏe cộng đồng và giáo dục. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quốc tế cũng vạch ra yếu điểm được cho là đáng quan tâm và cần cải thiện rất nhiều hiện nay cho thành phố, chính là vấn đề môi trường (giao thông vận tải, không khí, rác thải,..) Tp.HCM hiện cũng gặp phải các vấn đề tương tự đô thị ở các nước đang phát triển như dân số và kinh tế tăng nhanh nhưng cơ sở hạ tầng thấp, hệ thống giao thông ứ đọng, chuyên chở công cộng chưa mở rộng và tiện lợi, giá sinh hoạt thấp,…Từ đó, những yếu tố đô thị cần cải thiện cần được vạch ra rõ ràng và nhiệm vụ của người dân chính là nhìn nhận và thay đổi để đóng góp xây dựng một thành phố “đáng sống” như mong muốn.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ một thực tế thú vị về yếu tố nghệ thuật và văn hóa cũng có thể đóng góp vào sự phát triển của đô thị. Ông bày tỏ quan điểm và niềm yêu thích của mình dành cho văn hóa nghệ thuật của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Về con người, nơi đây luôn tràn đầy tình thương và sự hiếu khách, góp phần tạo nên một cộng đồng, một thành phố hạnh phúc mà bất kỳ ai ở bất kỳ nơi đâu cũng muốn đặt chân đến. Về nghệ thuật, những sản phẩm sáng tạo, sáng tác của cộng đồng nghệ sĩ đã truyền cảm hứng và là một “chỉ số” quan trọng để phát triển đô thị hạnh phúc.
Kết luận tại sự kiện, TS. Nguyễn Đức Hiệp cho biết: “Thành phố Hồ Chí Minh cần cải tiến nhiều về hệ thống giao thông và môi trường nhưng vẫn có những bước tiến triển để trở thành thành phố hạnh phúc và đáng sống cho cư dân đến cư ngụ. Con người nơi đây đều mang những cá tính cởi mở và đón nhận lưu dân không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, thành phần xã hội, đó cũng chính là niềm tự hào và thành công của thành phố”.
Hội thảo “Làm thế nào để Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị đáng sống?” là một trong những cơ hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm cho giảng viên, nghiên cứu viên Trường Đại học Văn Lang, góp phần kết nối cộng đồng Văn Lang đến gần hơn với trường học thuật quốc tế, kết nối cùng nhiều nhà khoa học uy tín, khơi mở nhiều định hướng nghiên cứu sáng tạo.
Tin: Gia Như
Hình: Gia Vy