banner

Kiến tạo tương lai bền vững

Trường Đại học Văn Lang thiết lập hệ sinh thái nhân văn, tạo ra những tác động truyền cảm hứng để cùng nhau xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững trong và ngoài Trường.

Phát triển Bền vững

Phát triển bền vững được Trường Đại học Văn Lang xác định là nhiệm vụ quan trọng và sẽ là “từ khóa” điều phối các hoạt động của con người Văn Lang, thông qua công tác vận hành, đào tạo, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội, tiết kiệm năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng… góp phần giải quyết các vấn đề của xã hội, tạo ra những thay đổi  tích cực vì tương lai bền vững.

Các mục tiêu Phát triển Bền vững

Thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chính là hướng đến một sự đồng lòng nhằm chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, vì "một thế giới không bỏ ai lại phía sau". 

 

Trường Đại học Văn Lang hướng đến mục tiêu đào tạo con người có tầm ảnh hưởng tích cực, phát triển các sản phẩm đáp ứng với bối cảnh xã hội, trở thành đầu mối kết nối thế giới, tiên phong số hóa và ứng dụng các công cụ thông minh, tổ chức triển khai và định hướng cộng đồng về các hoạt động tiêu thụ tài nguyên hiệu quả và hạn chế phát thải.

Sustainability themes
Hướng đến mục tiêu xây dựng trường học xanh, Trường Đại học Văn Lang cam kết thực hiện các chính sách vì mục tiêu phát triển bền vững trong mọi hoạt động của Nhà trường. Trong đó, xử lý và bảo tồn nguồn nước, tiết kiệm và tái tạo năng lượng, hoạt động tái chế, xây dựng khuôn viên xanh, các chính sách đầu tư và phát triển hợp tác với chính phủ là những chủ đề được triển khai mạnh mẽ.

Dự án nổi bật

Các dự án nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang góp phần thúc đẩy sự thay đổi tích cực của xã hội, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của Trường và cộng đồng.

Dự án nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và đánh giá chất lượng compost từ chất thải hữu cơ đã phân loại tại tỉnh Long An

MÔI TRƯỜNG

Dự án nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và đánh giá chất lượng compost từ chất thải hữu cơ đã phân loại tại tỉnh Long An

Tháng 4/2022, Khoa Môi trường Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Tổ chức bảo tồn thiên nhiên (WWF) triển khai dự án nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và đánh giá chất lượng compost từ chất thải hữu cơ đã phân loại từ thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Người dân thành phố Tân An tham gia phân loại rác tại nguồn

Quản lý và xử lý chất thải rắn đô thị là mối lo ngại cấp bách trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Trong đó, những lợi ích của phương pháp ủ compost đã chứng minh tính thực tế và khả thi trong việc giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn rất khó triển khai hiệu quả khi công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn vẫn là một thách thức lớn. 

Tại Việt Nam, tỉnh Long An là một trong những địa phương triển khai công tác phân loại rác thải sinh hoạt trong nhiều năm qua. Ngày 19/11/2021, UBND tỉnh Long An quyết định tiếp tục duy trì mô hình phân loại rác tại nguồn tại phường 3, TP. Tân An, đồng thời mở rộng mô hình ra tất cả các phường trên địa bàn thành phố Tân An cũng như các huyện, thị xã còn lại. 

Phối hợp với URENCO Tân An và các cơ quan chức năng liên quan, sau một năm triển khai, dự án phân loại chất thải rắn tại nguồn đã triển khai thí điểm mô hình tại phường 3, Tp. Tân An, với sự tham gia của hơn 4.800 hộ dân. Dự án cũng tài trợ trang thiết bị cần thiết bao gồm khoảng 10.000 thùng rác cho các hộ gia đình, hai (02) xe thùng để thu gom rác đã phân loại riêng biệt, cũng như thúc đẩy lợi ích của việc phân loại rác và đào tạo cho khoảng 1.000 cán bộ và người dân về phân loại rác tại nguồn. 

Rác thải sau khi được phân loại sẽ được công nhân của URENCO Tân An thu gom riêng. Ngoài ra, chất thải hữu cơ đã được phân loại có thể tận dụng nhằm tái chế chất thải hữu cơ và tạo ra các sản phẩm có lợi về kinh tế thông qua quá trình làm compost. Vì vậy, việc Khoa Môi trường Trường Đại học Văn Lang tham gia công tác nghiên cứu “Sản xuất thử nghiệm và đánh giá chất lượng compost từ chất thải rắn hữu cơ đã phân loại tại phường 3, thành phố Tân An” là cần thiết để đánh giá tính khả thi của quy trình tái chế. 

Dự án kéo dài trong 13 tuần, hướng đến mục tiêu đề xuất phương án quản lý chất thải rắn bền vững tập trung vào việc tái chế chất thải rắn có khả năng phân hủy sinh học tại tỉnh Long An. Để thực hiện được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu của Khoa Môi trường Trường Đại học Văn Lang đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể gồm xác định thành phần chất thải rắn có khả năng phân hủy sinh học làm nguyên liệu cho quá trình ủ compost, xây dựng và vận hành thử nghiệm mô hình thí điểm tại cơ sở chính Trường Đại học Văn Lang (69/68 Đặng Thùy Trâm, Phường 13, Quận Bình Thạnh) và tiến hành đánh giá chất lượng sản phẩm compost.

Chất thải rắn từ thành phố Tân An được vận chuyển đến cơ sở chính trường Đại học Văn Lang

Tại Trường Đại học Văn Lang, nhóm nghiên cứu áp dụng quy trình ủ compost theo luống và cấp khí cưỡng bức. Quá trình ủ compost được phân thành 2 giai đoạn gồm giai đoạn phân hủy và giai đoạn ủ chín. Quy trình vận hành sẽ bao gồm 8 tuần ủ hoai và 2 tuần ủ chính diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 6/2022.

Các chuyên viên tiến hành phối trộn chuẩn bị nguyên liệu cho luống ủ

Sản phẩm compost được lấy mẫu và phân tích theo yêu cầu nêu trong Tiêu chuẩn 10TCN 526:2002. Theo kết quả, 13/16 thông số của compost đều đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt không phát hiện Cd và Salmonella. Các thông số kim loại nặng khác cũng thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn. Kết quả này chỉ ra rằng compost có thể được sử dụng cho mục đích trồng trọt như một loại phân bón lót.

Sản phẩm compost sau khi lọt qua sàng 5mm

Nhìn chung, công tác phân loại tại nguồn khá tốt, thể hiện qua tỷ lệ rác thải nhựa (0,4% tổng lượng chất thải rắn). Bên cạnh đó, việc tiết giảm lượng chất thải nhựa có thể thay đổi từ thao tác của hộ gia đình, người thu gom và giai đoạn phân loại tại nhà máy compost. Nhằm tăng cường hàm lượng hữu cơ và dinh dưỡng trong compost, các nghiên cứu trước đây đã khuyến nghị rằng phân heo hoặc bò có thể được sử dụng làm một trong những nguyên liệu thô đầu vào cho quá trình ủ compost.

Dự án khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh

CÔNG NGHỆ & KỸ THUẬT

Dự án khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh

Những thách thức trong việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp tỏng đại dịch Covid-19 đã mang lại ý tưởng về việc thích ứng một hệ thống trang trại đứng tự động hoá cao cho bối cảnh đô thị. Dự án mang tên “Khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh” nhằm giúp nông dân tiếp cận các mô hình canh tác mới phù hợp với điều kiện hộ gia đình, nâng cao khả năng tự cung cấp và tăng thu nhập cho chủ hộ.

Dự án phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Chiến lược của Liên hợp quốc: (2) Xoá đói với trọng tâm là nông nghiệp bền vững và (12) Sản xuất có trách nhiệm và  (10) Giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia

Dự án sẽ thiết kế thí điểm 01 nhà kính tại Việt Nam và 01 tại Vương quốc Anh. Bên trong nhà kính, hai mô hình canh tác công nghệ cao: (1) Vườn theo chiều đứng, (2) Thuỷ canh. Tất cả các chất dinh dưỡng được hoà tan trong nước tưới và cung cấp thường xuyên cho cây trồng. Các mô hình được thiết lập  với Công nghệ IoT thông minh (giám sát điều kiện môi trường: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và kiểm soát tăng trưởng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh).

Dự án cũng sẽ nghiên cứu nhận thức về hệ thống canh tác theo chiều đứng. Khách hàng mục tiêu của nghiên cứu này là các trường THPT (giáo viên, học sinh lớp 12, 11), chính quyền địa phương trong ngành giáo dục và môi trường.

Thay đổi tích cực vì một tương lai bền vững
media
Thay đổi tích cực vì một tương lai bền vững
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững kêu gọi hành động toàn cầu nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và khí hậu trái đất và đảm bảo mọi người ở khắp mọi nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng.
media