Sáng 22/6/2025, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế - Trường Đại học Văn Lang tổ chức workshop “Từ kịch bản truyện tranh đến trang truyện”, với mục tiêu xây dựng không gian học thuật sinh động, truyền cảm hứng sáng tạo và trang bị kiến thức chuyên sâu về quy trình phát triển một tác phẩm truyện tranh hoàn chỉnh cho sinh viên.
Tại workshop, diễn giả Thanh Quỳnh - Giám đốc sáng tạo tại Du Bút - hệ thống hóa tiến trình sáng tác truyện tranh từ bước phát triển kịch bản đến dàn trang. Trên cơ sở trình bày lý thuyết cấu trúc ba hồi kinh điển và mô hình kể chuyện Kishōtenketsu đặc trưng của manga, diễn giả giúp sinh viên hiểu vai trò của cốt truyện trong việc dẫn dắt cảm xúc người đọc, cũng như những biến thể trong phương pháp tạo cao trào và xử lý mâu thuẫn qua từng khung hình.
Bên cạnh lý thuyết, workshop đi sâu vào kỹ thuật chuyển thể kịch bản thành bố cục truyện tranh, từ lựa chọn góc, xác định số lượng khung hình, đặt lời thoại cho đến cách thiết kế hành động và biểu cảm nhân vật. Bà Thanh Quỳnh nhấn mạnh: “Một câu chuyện hay không chỉ đến từ hình ảnh đẹp, mà từ cách hình ảnh truyền tải câu chuyện rõ ràng, logic và giàu cảm xúc”. Các lỗi thường gặp trong phân khung như lạm dụng cảnh đại toàn, thiếu logic không gian, hay diễn giải rườm rà cũng được chỉ ra cụ thể thông qua các ví dụ thực tế và bài tập minh họa tại chỗ.
Đặc biệt, diễn giả cũng giới thiệu loạt tài liệu nền tảng như Story (Robert McKee), Manga in Theory and Practice (Araki Hirohiko), Understanding Comics (Scott McCloud)… cùng nhiều khái niệm quan trọng như archetype, bố cục động, định hướng ánh nhìn và phối hợp giữa hình - chữ trong truyện tranh. Những nguyên lý này không chỉ phục vụ cho việc sáng tác truyện tranh, mà còn là nền tảng tư duy thị giác quan trọng trong các lĩnh vực truyền thông đa phương tiện.
Tin: Đăng Khoa
Hình: Trung Quân
Thẻ
Gửi thất bại