VLU x Cinetour “Vietnamese 2025” - Tận dụng công nghệ trong sản xuất phim

Tác Giả
Trần Phúc
Ngày
05/06/2025(28 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Nằm trong khuôn khổ Cuộc thi phim ngắn Việt Nam - Vietnamese 2025, Trường Đại học Văn Lang kết hợp cùng Báo Thanh Niên tổ chức buổi giao lưu chủ đề “Tận dụng Công nghệ trong sản xuất phim” diễn ra vào ngày 06/6/2025 vừa qua.

vlu-x-cinestour-vietnammese-2025-tan-dung-cong-nghe-trong-san-xuat-phim-a.jpg
PGS. TS. NGƯT. Phan Thị Bích Hà - Trưởng Khoa Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh - chào đón Ban tổ chức cùng Hội đồng Giám khảo Cuộc thi phim ngắn Việt Nam 2025.

PGS. TS. NGƯT. Phan Thị Bích Hà - Trưởng Khoa Âm nhạc, Sân khấu và Điện ảnh chia sẻ: “Trong những năm gần đây, sự phát triển vượt bậc của công nghệ số đã góp phần tạo nên nhiều tác phẩm điện ảnh ấn tượng, thể hiện rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa lý thuyết học thuật và thực tiễn sáng tạo. Trường Đại học Văn Lang luôn đề cao việc ứng dụng công nghệ trong học tập, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh - nơi đổi mới và sáng tạo là yếu tố then chốt giúp sinh viên bắt nhịp với xu hướng phát triển của ngành”.

vlu-x-cinestour-vietnammese-2025-tan-dung-cong-nghe-trong-san-xuat-phim-b.jpg
Đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân, đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải mang đến góc nhìn toàn diện về quá trình làm phim.

Đạo diễn, nhà sản xuất Lý Hải - tác giả chuỗi dự án phim “Lật mặt” đã mang đến những kinh nghiệm và câu chuyện thực tế cho các bạn sinh viên trong quá trình làm nghề. Anh cho biết bản thân luôn chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi dự án, đặc biệt với đại cảnh hay phân đoạn cần kết hợp tinh tế giữa quay thực tế và kỹ xảo. Để làm được điều đó, anh thường dành từ 03 đến 06 tháng cho khâu tiền kỳ, nhằm tính toán chính xác từng khung hình. Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ xảo, nhưng cũng khuyên các bạn trẻ không nên lạm dụng, giữ gìn sự chân thật cho bộ phim, qua đó tạo ra dấu ấn trong lòng khán giả.

vlu-x-cinestour-vietnammese-2025-tan-dung-cong-nghe-trong-san-xuat-phim-c.jpg
Anh Tín Nguyễn - Nhà sáng lập, Giám sát Kỹ xảo của Step One Studio - nhấn mạnh vai trò của người giám sát kỹ xảo.

Chia sẻ sâu hơn về việc sử dụng các kỹ thuật công nghệ trong khâu hậu kỳ, anh Tín Nguyễn - Nhà sáng lập, Giám sát Kỹ xảo của Step One Studio khẳng định: “Kỹ xảo cần được lên kế hoạch từ sớm, bám sát kịch bản, storyboard và kế hoạch sản xuất. Người giám sát kỹ xảo không chỉ chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật mà còn đóng vai trò cố vấn từ tiền kỳ, góp ý và điều chỉnh kịch bản cho phù hợp với khả năng thực hiện”.

vlu-x-cinestour-vietnammese-2025-tan-dung-cong-nghe-trong-san-xuat-phim-d.jpg
Đạo diễn, nhà sản xuất Hoàng Long chia sẻ những lưu ý trong công tác chuẩn bị cho quá trình quay.

Đồng tình với quan điểm trên, đạo diễn, nhà sản xuất Hoàng Long - Giám sát kỹ xảo hiện trường nhiều bộ phim nổi tiếng như Em và Trịnh, Đất Rừng Phương Nam - cho biết: “Trong các buổi họp và buổi “Fix off”, công tác chuẩn bị cho quá trình quay (On set) cần được rà soát để cả đoàn nắm rõ nội dung kịch bản và hình dung chi tiết từng cảnh. Người giám sát kỹ xảo sẽ đưa ra các shoot hình tham khảo, gợi ý concept, bố cục và tính toán các yếu tố cần thiết để hỗ trợ quá trình quay”.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí hào hứng và sôi nổi không chỉ truyền cảm hứng sáng tạo mà còn trang bị cho sinh viên Văn Lang những kiến thức quý báu về công nghệ kỹ xảo và tinh thần dấn thân trong lĩnh vực điện ảnh. Chương trình là cơ hội để đưa các tác phẩm phim ngắn đến gần hơn với khán giả, lan tỏa tinh thần đam mê bộ môn nghệ thuật thứ bảy, đồng thời chắp cánh cho những bước chân đầu tiên của các bạn trẻ trên con đường làm phim chuyên nghiệp.

Cuộc thi phim ngắn Việt Nam - Vietnamese 2025 do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam và Sandisk Việt Nam tổ chức. Với chủ đề “Vietnamese”, cuộc thi mong muốn tìm kiếm và giới thiệu những tài năng trẻ có đam mê làm phim, góp phần làm phong phú thêm bức tranh điện ảnh nước nhà.

Tin: Trần Phúc
Hình: An Khang

Thẻ