Ngày 30/5/2025, sinh viên Khóa 27 ngành Quan hệ Công chúng và Truyền thông - Trường Đại học Văn Lang chính thức bước vào buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Mười hai đề tài được trình bày trong buổi bảo vệ đã phản ánh nỗ lực nghiên cứu nghiêm túc, tư duy phản biện và khả năng ứng dụng thực tiễn trong quá trình học tập của các bạn sinh viên.
Dù chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với nghiên cứu khoa học từ sớm, nhưng sinh viên Khóa đầu tiên ngành Truyền thông Đa phương tiện đã khẳng định nỗ lực qua những đề tài vừa giàu tính thời sự, vừa được triển khai logic, chỉn chu. Trong đó, có thể kể đến đề tài “Sự tiếp nhận thông điệp truyền thông từ các hoạt động IMC hưởng ứng tháng tự hào LGBTQ+ của Gen Z tại TP.HCM” của sinh viên Nguyễn Gia Bảo hay đề tài “Tác động của influencer marketing đến ý định sử dụng dịch vụ filler của phái nữ tại TP.HCM” của Lê Quốc Huy tập trung khai thác góc nhìn thực tiễn về hành vi tiêu dùng trong lĩnh vực làm đẹp, một xu hướng đang phát triển mạnh tại các đô thị lớn.
Đề tài “Gen Z trong việc tiếp nhận và hành vi tiêu thụ các sản phẩm văn hóa đại chúng có yếu tố lịch sử Việt Nam” của sinh viên Đặng Khánh Ngọc gây ấn tượng với sự đầu tư bài bản về khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu định tính. Buổi bảo vệ khóa luận của Khánh Ngọc trở nên đặc biệt và ý nghĩa khi phụ huynh cũng có mặt để động viên tinh thần cho bạn cũng như các bạn sinh viên khác.
Trong khi đó, sinh viên ngành Quan hệ công chúng tiếp tục thể hiện rõ thế mạnh về nghiên cứu định tính, định lượng và tư duy chiến lược. Các đề tài năm nay tập trung vào những vấn đề đang được quan tâm trong đời sống truyền thông như truyền thông nội bộ trong tổ chức công, xu hướng de-influencing trên nền tảng TikTok, tác động của truyền thông CSR tới hành vi tiêu dùng của Gen Z hay nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học trong giới trẻ. Mỗi đề tài đều được triển khai một cách khoa học, có khung lý thuyết rõ ràng, số liệu đáng tin cậy, đi cùng khả năng phân tích và đề xuất giải pháp mang tính ứng dụng cao.
Đề tài “Tác động của trách nhiệm thiện nguyện đến lòng trung thành của thế hệ Z đối với các chuỗi cửa hàng thức uống tại TP.HCM” của sinh viên Trần Thị Trúc Linh là một trong những nội dung nổi bật. Với cấu trúc logic, nội dung gắn sát với thực tiễn và cách trình bày chuyên nghiệp, đề tài thể hiện tư duy chiến lược trong truyền thông CSR, đặc biệt trong bối cảnh ngành F&B cạnh tranh cao và Gen Z ngày càng quan tâm đến các giá trị nhân văn mà thương hiệu thể hiện.
Một trong những đề tài nổi bật được hội đồng đánh giá rất cao là “Truyền thông về đa dạng sinh học của tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam: Phân tích nội dung trang Facebook WWF-Việt Nam giai đoạn 2022 – 2024” của sinh viên Nguyễn Thị Yến Nhi. Đề tài thể hiện rõ năng lực xử lý khối lượng dữ liệu lớn và khả năng tiếp cận học thuật chuyên sâu. Từng bước phân tích đều có căn cứ, được trình bày với cấu trúc logic và văn phong khoa học chỉn chu, là minh chứng cho sự đầu tư bài bản, nghiêm túc và thái độ nghiên cứu đúng mực của sinh viên.
Một điểm nhấn nổi bật khác là sự xuất hiện của ba đề tài “The role of male influencers on TikTok in shaping gender norms and cosmetic purchase intentions of male consumers (young adult men, 18-25) in Ho Chi Minh city” của sinh viên Đoàn Nguyễn Trúc Quỳnh, đề tài “Women’s representation and female audiences’ reception of women’s role in the workplace context: analyzing Chang vo cua em (2018)” - sinh viên Nguyễn Hồ Minh Tuyết, đề tài “Fostering HCM gen Z brand trust and loyalty in F&B businesses through ESG practices” - sinh viên Tạ Đức Sang được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh. Hội đồng đánh giá cao sự mạnh dạn thử sức với ngôn ngữ học thuật quốc tế, đồng thời ghi nhận năng lực toàn diện trong tư duy chuyên môn và khả năng sử dụng ngoại ngữ chuyên ngành. Các đề tài đảm bảo tính chặt chẽ về nội dung, thể hiện sự lưu loát và tự tin trong trình bày, cho thấy sinh viên đã sẵn sàng hội nhập và làm việc trong môi trường toàn cầu.
Tin: Đăng Khoa
Hình: Gia Minh
Thẻ
Gửi thất bại