Hưởng ứng làn sóng chuyển đổi số trong giáo dục, sáng ngày 17/12/2024, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) phối hợp với Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo quốc tế "Tài nguyên giáo dục mở phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục đại học Việt Nam: Từ chính sách đến triển khai", thu hút sự tham gia của gần 20 trường đại học và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.
Hội thảo tập trung vào việc triển khai giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục thông qua xây dựng và phát triển hệ sinh thái tài nguyên giáo dục mở (OER), với mục tiêu tạo cơ hội học tập bình đẳng, linh hoạt và suốt đời cho người học.
GS. Nicolas Mainetti - Giám đốc Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) khẳng định tầm quan trọng của OER trong chuyển đổi số giáo dục. Với mạng lưới gần 1000 trường đại học thành viên trên toàn cầu, AUF cam kết hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, chính phủ các nước, đặc biệt tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để hỗ trợ chương trình giáo dục quốc gia.
TS. Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên mở trong giáo dục đại học, phân tích theo ba cấp độ: cá nhân (giảng viên, sinh viên), nhà trường, và cơ quan quản lý. Theo đó, việc phát triển, chia sẻ và sử dụng học liệu mở cần sự nỗ lực từ mỗi cá nhân, sự hỗ trợ nguồn lực từ các trường đại học và khung pháp lý từ cơ quan tham mưu chính phủ.
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về Tài nguyên Giáo dục Mở (OER), PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang đã nêu bật những bước tiến mạnh mẽ của Nhà trường trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Năm 2024, hơn 1.000 sinh viên từ 23 khoa đã tham gia 273 khóa học trên nền tảng Coursera, cùng gần 2.000 sinh viên hoàn thành chương trình Phát triển Nhân tài Số.
Nhà trường cũng nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên, nhân viên khi trong năm học 2022 - 2023 có gần 1.500 người tham gia đào tạo kỹ năng Microsoft. Chương trình AI Studio thu hút gần 700 người tham gia và số người tham gia các khóa học chuyển đổi số trên Coursera tiếp tục tăng lên hơn 1.500 người trong năm 2024.
Những chia sẻ và thảo luận tại hội thảo không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên giáo dục mở (OER) trong quá trình chuyển đổi số mà còn khẳng định cam kết mạnh mẽ của các bên liên quan trong việc xây dựng một hệ sinh thái OER bền vững tại Việt Nam. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, cơ quan quản lý và tổ chức quốc tế sẽ là động lực quan trọng, giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và mang lại cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả người học trong thời đại kỷ nguyên số.
Tin: Hồng Thanh
Hình ảnh: Diên Khánh
Thẻ
Gửi thất bại