VLU Class-Zoom: Khám phá tiềm năng nông nghiệp công nghệ cao cùng sinh viên Công nghệ Sinh học

Tác Giả
Thảo Vân
Ngày
23/04/2025(14 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Là một trong những học phần nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Công nghệ Sinh học tại Trường Đại học Văn Lang, học phần Nông nghiệp công nghệ cao mang đến cho sinh viên cơ hội ứng dụng kiến thức nông nghiệp kết hợp công nghệ hiện đại để tối ưu hóa sản xuất, đồng thời bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp bền vững. 

Trong học phần này, sinh viên được tiếp cận và trải nghiệm thực tế các mô hình canh tác hiện đại như nhà kính, hệ thống thủy canh, ứng dụng IoT trong giám sát sản xuất, kỹ thuật canh tác không đất cũng như học cách sử dụng thiết bị điện và đường ống cơ bản trong hệ thống nông nghiệp thông minh.

vlu-class-zoom-kham-pha-tiem-nang-nong-nghiep-cong-nghe-cao-a.jpg
vlu-class-zoom-kham-pha-tiem-nang-nong-nghiep-cong-nghe-cao-b.jpg
Học phần Nông nghiệp công nghệ cao giúp sinh viên hiểu rõ cách vận hành từng bộ phận trong hệ thống và quan sát trực tiếp sự sinh trưởng của cây trồng.

Điểm đặc biệt của môn học chính là việc sinh viên được trực tiếp thiết kế, lắp đặt và vận hành mô hình thủy canh trong nhà màng – một hệ thống mô phỏng quy trình nông nghiệp công nghệ cao thu nhỏ, đảm bảo cả yếu tố kỹ thuật lẫn thẩm mỹ. Các bạn được thực hành một cách bài bản từ khâu thiết kế cho đến hoàn thiện sản phẩm, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Đây cũng chính là những kỹ năng cốt lõi mà chương trình đào tạo ngành Công nghệ Sinh học tại Trường Đại học Văn Lang luôn hướng đến.

vlu-class-zoom-kham-pha-tiem-nang-nong-nghiep-cong-nghe-cao-c.jpg
Theo TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, điểm nổi bật của học phần Nông nghiệp công nghệ cao là phương pháp giảng dạy qua trải nghiệm thực tế trong nhà kính, giúp sinh viên thực hành hiệu quả.

Chia sẻ về những giá trị mà môn học này mang lại, TS. Vũ Thị Quyền – Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ Ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang cho biết sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên môn mà còn phát triển năng lực tư duy, phân tích và sáng tạo. Khi được giao nhiệm vụ thiết kế một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như hệ thống thủy canh, các bạn phải linh hoạt vận dụng kiến thức để triển khai theo mô-đun chuẩn mà giảng viên đề ra. Quá trình này góp phần hình thành tư duy hệ thống, rèn luyện kỹ năng thực hành và khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Đồng thời, môn học còn giúp sinh viên có cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về nông nghiệp hiện đại – một lĩnh vực đang không ngừng đổi mới dưới tác động của khoa học và công nghệ.

Bạn Lê Thị Thúy An – K28 ngành Công nghệ Sinh học bày tỏ: “Trước đây mình nghĩ nông nghiệp chỉ là trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống. Nhưng qua học phần Nông nghiệp công nghệ cao, mình đã hiểu hơn về sự hiện đại, chính xác trong sản xuất nông nghiệp. Việc được tự tay trải nghiệm hệ thống thủy canh trong nhà màng giúp mình thấy rõ tiềm năng của công nghệ này”.

vlu-class-zoom-kham-pha-tiem-nang-nong-nghiep-cong-nghe-cao-d.jpg

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo ra nguồn thực phẩm xanh – sạch – chất lượng và thân thiện với môi trường. Với kiến thức và kỹ năng được trang bị qua học phần này, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học được kỳ vọng sẽ là những nhân tố tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tin: Thảo Vân

Thẻ