Về Đông Bắc – Hành trình cảm xúc và tự hào

Tác Giả
Nguyễn Thị Quỳnh
Ngày
01/08/2023(652 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Từ ngày 28/7 đến 02/8/2023 các giảng viên Lý luận chính trị - Khoa Khoa học cơ bản đã có hành trình thực tế về nguồn, tham quan các di tích lịch sử ở Đông Bắc: từ Đền Hùng (Phú Thọ) qua Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Tân Trào (Tuyên Quang). Chuyến đi là sự trải nghiệm sâu sắc và mang lại nhiều bài học bổ ích.

Từ thành phố mang tên Bác, đoàn chúng tôi đáp chuyến bay sớm ra Hà Nội. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là khu Di tích lịch sử Đền Hùng - mảnh đất linh thiêng, nơi thờ tự các Vua Hùng - tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Càng cảm xúc và tự hào hơn khi chúng tôi mang trong mình “dòng máu Văn Lang” từ miền Nam về với miền đất Tổ để hòa chung về một cội. Tại đây, đoàn thăm quan các đền Hạ, Trung, Thượng và đền Giếng. Tại Đền Giếng, đoàn cùng nhau ôn lại sự kiện ngày 19/9/1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ đại đoàn Quân Tiên phong (Sư đoàn 308 - Quân đội nhân dân Việt Nam). Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời của Bác không chỉ dành cho cán bộ, chiến sĩ lúc bấy giờ mà còn xác định trách nhiệm đối với quê hương, đất nước cho các thế hệ muôn đời sau. Mỗi bước chân qua đây, chúng tôi như cảm nhận được nhịp thở của đất trời, của hồn dân tộc - nơi đã hội tụ bao dấu tích vật thể và phi vật thể phản ánh quá trình định đô dựng nước Văn Lang để khai sinh, phát triển đất nước mà các vua Hùng là những người có công khai quốc. 

Chia tay Đền Hùng, chúng tôi đến đất Hà GiangTừ Km số 0 Hà Giang, chúng tôi đi qua cung đường Hạnh Phúc với chiều dài 185 km. Con đường được xây dựng từ tháng 9/1959 đến tháng 03/1965 với sự chung tay, góp sức của cán bộ, công nhân, dân công và 1.500 thanh niên xung phong thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định, Hải Dương. Con đường xuyên qua bốn huyện của Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Những khó khăn, nhọc nhằn, cả mồ hôi, nước mắt và máu đã đổ xuống để tạo nên con đường, mở ra lối đi xán lạn, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân nơi đây nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. 

Đến với Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn ta hiểu thêm những gian khó mà 17 dân tộc anh em đoàn kết vượt qua. Đồng bào đã biến những dãy núi đá tai mèo khô cằn khởi sinh sự sống. Sự choáng ngợp về núi non hùng vĩ: những hoa, những suối, ánh mắt trong ngần, vòng hoa dại của trẻ thơ, bản làng mù sương, nương ngô xanh mướt ngày ấy nay vừa quen vừa lạ. Làm việc với Ủy ban nhân dân huyện Đồng Văn chúng tôi phần nào lý giải được cảm xúc lẫn lộn ấy của chính mình. Các đồng chí lãnh đạo huyện đã cho chúng tôi bức tranh khá hoàn chỉnh về một Đồng Văn đang thay da đổi thịt từng ngày. Thật tình cờ đoàn lại có dịp được chuyện trò, chụp hình lưu niệm với các già làng, trưởng bản đang tề tựu nơi đây. Niềm vui trong ánh mắt của đồng bào càng củng cố những chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã mang lại sức sống của Hà Giang hôm nay. Một trong những chính sách mà chúng tôi tâm đắc là phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa. Hiện ngoài danh lam thắng cảnh, Hà Giang còn có 25 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Sinh ra từ đá, sống dựa vào đá và chết về với đá” như một lời thề bền chặt của con người nơi đây. 

Có người bảo Hà Giang là bản hùng ca trên đá. Sự mênh mông của đất trời, sừng sững của lớp lớp núi đá tai mèo xen lẫn nương ngô, thảm hoa dại, mái nhà sàn chênh vênh bồng bềnh trong sương … từng khắc nơi đây dường như đất trời tĩnh lại. Về đây, chúng tôi sững sờ, vỡ òa trước sự kỳ vĩ mà lại rất đỗi tinh khôi này. Và niềm yêu mến, tự hào Tổ quốc cứ thế rưng rưng, Việt Nam mến yêu của ta! Hà Giang mến yêu của ta!

Tạm biệt Hà Giang, chúng tôi đến Cao Bằng - nơi 82 năm trước Bác Hồ kính yêu chạm cột mốc 108 để trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Chúng tôi thăm hang Cốc Bó (thuộc Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nơi Bác ở từ ngày 8 tháng 02 đến cuối tháng 3 năm 1941. Hang nhỏ, tối, ẩm thấp nằm sâu trong khe núi, có chiều cao trên 7m.  Trong hang, tấm ván Người nằm nghỉ, hòn đá Người kê làm bếp nấu còn lưu giữ nguyên vẹn. Bên suối Lê-Nin, chúng tôi thăm chỗ Người thường ngồi câu cá sau mỗi giờ làm việc, chiếc bàn đá nơi Người ngồi “dịch sử Đảng” Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng lúc nào Bác cũng tràn đầy niềm tin và tinh thần lạc quan cách mạng. Đặt tay xuống dòng suối, chúng tôi cảm nhận được sự mát lành từ dòng chảy, nơi khởi nguồn cho sự sống, cho tương lai xán lạn của một dân tộc anh hùng. 

Xuôi theo quốc lộ 3 mới, chúng tôi về ATK Định Hóa thuộc tỉnh Thái Nguyên. ATK viết tắt của chữ “An toàn khu”. An toàn khu Trung ương Định Hoá nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc có 128 điểm di tích ghi dấu một thời hào hùng của dân tộc. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và kín đáo, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ) được Đảng ta chọn để xây dựng các cơ quan chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cũng như hang Cốc Bó (Cao Bằng), đây là nơi “gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Nơi đây còn là Phủ Chủ tịch đầu tiên, là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1954. 

Đoàn chúng tôi đến thăm lán Tỉn Keo nằm trên đồi Tỉn Keo xanh ngát tre, vầu và cọ; thăm Bảo tàng ATK Định Hóa, với tổ hợp hơn 380 hiện vật và ảnh tư liệu, sa bàn, tái hiện không gian “Thủ đô Kháng chiến”, thăm cây đa Khuôn Tát, nơi Bác Hồ cùng anh, em bảo vệ chơi bóng chuyền, tập võ. Về với “Thủ đô gió ngàn”, chúng tôi thăm đình Tân Trào, giao lưu với bà con dân tộc Tày, Nùng, Dao. Người dân nơi đây hiền hòa, chân chất với lòng tôn kính, trân quý và giữ gìn khu di tích như giữ gìn những báu vật của chính mình. Dưới căn lán đơn sơ, mái lá, vách nứa, sạp tre, Bác đã có 92 ngày đêm với điều kiện sống đơn sơ để cho ra đời nhiều quyết sách mang ý nghĩa sống còn cho dân tộc. Một chi tiết chúng tôi được kể: Ở giữa rừng rậm âm u, lại thêm thức đêm nhiều, ăn uống đạm bạc (chủ yếu chỉ măng rừng luộc chấm muối, nước trà thay canh) đã khiến sức lực Bác gần như cạn kiệt. Và đã có lần Bác ốm rất nặng tưởng chừng không qua khỏi. Lần tỉnh lại sau cơn sốt kéo dài, Bác đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”. Lời căn dặn ấy đã đặt nền móng cho những quyết sách mang tính quyết định đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam sau này. 

Đông Bắc, nơi cội nguồn tổ tiên người Việt, nơi hội tụ bao anh hùng dân tộc về đây xây dựng cơ đồ, nơi đầu nguồn cách mạng, nơi nhen lên ngọn lửa để dân tộc ta bừng sáng. Đây cũng là nơi lưu dấu Bác Hồ kính yêu, nơi hồn thiêng sông núi mãi hát khúc ân tình thủy chung với cách mạng. Hồn của đá, của suối mát trong theo ta như khúc ca dịu dàng. Chúng tôi kết thúc chuyến đi của mình tại nơi này, nhưng lại mở ra rất nhiều ý tưởng cho những bài giảng trong tương lai. Chắc chắn rằng, trong bài giảng của mình, chúng tôi sẽ kể cho các em sinh viên về những câu truyện lịch sử, những dấu ấn văn hóa, những nét đẹp trù phú, hùng vĩ của quê hương và niềm tự hào dân tộc. Và chúng tôi đã hát: “Chào đàn em cánh chim tưng bừng, đàn anh tiếng tăm lừng lẫy, cháu con Vua Hùng/ Từng đàn chim sống trong khu vườn/ Tình yêu kết hoa thiên đường DƯỚI MỘT MÁI TRƯỜNG: VĂN LANG!”.

Nguyễn Thị Quỳnh – Khoa Khoa học cơ bản

Thẻ