Trường Đại học Văn Lang tổng kết dự án nghiên cứu quốc tế về tăng cường khả năng chống chịu cho xã hội bằng công nghệ số

Tác Giả
Trang Phương – Gia Hân
Ngày
11/03/2024(549 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 12/03/2024, Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tăng cường khả năng chống chịu cho xã hội bằng công nghệ số: Nghiên cứu điển hình về Nông nghiệp đô thị và Chăm sóc sức khỏe”, tổng kết hai dự án thuộc chương trình hợp tác đối tác toàn cầu của Hội đồng Anh, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo giữa Vương quốc Anh, Việt Nam và Indonesia.

vlu-tong-ket-du-an-nghien-cuu-ve-tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-cho-xa-hoi-bang-cong-nghe-so-nghien-cuu-dien-hinh-ve-nong-nghiep-do-thi-va-cham-soc-suc-khoe-a.jpg

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam và tại Indonesia - đơn vị chủ trì dự án; GS-TS. Nguyễn Xuân Huấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ bản sao tại London, Trưởng nhóm nghiên cứu 5G/6G và IoT, Đại học Middlesex (Vương Quốc Anh); PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành TP.HCM; đại diện các viện, trung tâm, hiệp hội và các nhóm thực hiện dự án; các trường đại học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp...

vlu-tong-ket-du-an-nghien-cuu-ve-tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-cho-xa-hoi-bang-cong-nghe-so-nghien-cuu-dien-hinh-ve-nong-nghiep-do-thi-va-cham-soc-suc-khoe-b.jpg
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết Hội đồng Anh, Trường Đại học Văn Lang và các đơn vị liên quan kỳ vọng các dự án sẽ mở ra những cơ hội mới, tạo ra những giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực chống chịu của cộng đồng và xã hội dựa trên nền tảng của công nghệ số, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc với trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp và y tế.

Trong hai phiên hội thảo, các nhóm nghiên cứu trình bày kết quả đầu ra của 2 dự án do Hội đồng Anh tài trợ. Đây đồng thời là cơ hội để các đơn vị liên quan cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các vấn đề về nông nghiệp và y tế để tìm phương hướng giải quyết tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị trong mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Dự án “Khả năng chống chịu trong nông nghiệp đô thị thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh” (Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Đại học Middlesex)

Từ tháng 01/2022, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Trường Đại học Middlesex (London) và các đối tác doanh nghiệp khởi động dự án “Khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh”. Dự án nằm trong khuôn khổ Global Partnership Program đã chính thức được Hội đồng Anh lựa chọn tài trợ và ký hợp đồng thực hiện, với tổng nguồn quỹ cho dự án lên đến 45,585 bảng Anh.

Triển khai trong 27 tháng, dự án ra đời trong bối cảnh dân số toàn cầu tiếp tục tăng trong khi diện tích đất canh tác ngày càng giảm, biến đổi khí hậu tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, cùng với kinh nghiệm về sự đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm tại các đô thị qua đại dịch Covid-19. Kết quả của dự án đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống canh tác ngay tại đô thị, tiết kiệm diện tích, ít tiêu tốn tài nguyên và hạn chế các tác động do biến đổi khí hậu.

vlu-tong-ket-du-an-nghien-cuu-ve-tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-cho-xa-hoi-bang-cong-nghe-so-nghien-cuu-dien-hinh-ve-nong-nghiep-do-thi-va-cham-soc-suc-khoe-c.jpg
PGS.TS. Lê Thị Kim Oanh – Trưởng Khoa Môi trường, Trưởng Phòng nghiên cứu Khoa học Trường Đại học Văn Lang đại diện nhóm nghiên cứu báo táo tổng kết dự án.

Đến nay, các kết quả quan trọng nhất của dự án đã hoàn thành: xây dựng 01 nhà kính tại Trường Đại học Văn Lang và 01 nhà kính tại Trường Đại học Middlesex kèm theo các mô hình canh tác gắn với công nghệ loT giám sát điều kiện sinh thái (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng) và kiểm soát tăng trưởng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Ngoài những sản phẩm hữu hình, Dự án đã tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên hai trường đại học hợp tác thực hiện các sản phẩm nghiên cứu học thuật. Song song với nghiên cứu trên các loại cây trồng trong nhà kính công nghệ cao, sinh viên Khoa Môi trường (VLU) đã thực hiện nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên và tác động môi trường, so sánh giữa mô hình canh tác không đất công nghệ cao với mô hình truyền thống.

vlu-tong-ket-du-an-nghien-cuu-ve-tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-cho-xa-hoi-bang-cong-nghe-so-nghien-cuu-dien-hinh-ve-nong-nghiep-do-thi-va-cham-soc-suc-khoe-d.jpg
Hệ thống điều khiển mô hình vườn đứng tại VLU

Một trong các sản phẩm quan trọng của dự án là bộ tài liệu hướng dẫn trực tuyến cho các hệ thống canh tác theo chiều đứng trong thành phố. Kỹ thuật canh tác đô thị sẽ được phổ biến, chuyển giao cho người dân thành thị khu vực TP.HCM thông qua các buổi tập huấn, các hoạt động của Trường Đại học Văn Lang. Trong năm 2023, Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo tương tác phổ biến kiến thức trong dự án này đến các đối tượng bao gồm sinh viên; giáo viên, học sinh THPT và các cơ quan ban ngành tại Tp.HCM.

Về lâu dài, Trường Đại học Văn Lang sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các kết quả từ dự án. Nhà màng sẽ được vận hành, phục vụ thiết thực cho chương trình đào tạo các ngành Công nghệ - Kỹ thuật. Quy trình thực hiện mô hình và việc chuyển giao kiến thức đến các đối tượng quan trọng sẽ tiếp tục được triển khai và mở rộng, tăng cường nhận thức phát huy quỹ không gian sẵn có trong cộng đồng, hộ gia đình, hướng đến tương lai phát triển nông nghiệp đô thị, xanh hóa đô thị.

Dự án “Phát triển chương trình giảng dạy kết nối về Bản sao kỹ thuật số (Digital Twin) cho Mạng lưới nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống y tế” (Đại học Middlesex phối hợp với Trường Đại học Gadjah Mada)

Dự án của Đại học Middlesex phối hợp với Đại học Gadjah Mada thực hiện đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe thông qua công nghệ bản sao kỹ thuật số, cho phép phân tích và dự đoán tình trạng sức khỏe dựa trên các số liệu về thói quen, môi trường sống của người dùng,…. Dự án mở ra cách tiếp cận mới mẻ cho hoạt động nghiên cứu các dự án ở lĩnh vực y tế nói chung và khối ngành sức khỏe tại Trường Đại học Văn Lang nói riêng.

vlu-tong-ket-du-an-nghien-cuu-ve-tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-cho-xa-hoi-bang-cong-nghe-so-nghien-cuu-dien-hinh-ve-nong-nghiep-do-thi-va-cham-soc-suc-khoe-e.jpg
Đại diện Trường Đại học Gadjah Mada chia sẻ về dự án

Hội đồng Anh, Trường Đại học Văn Lang và các đơn vị liên quan kỳ vọng các dự án sẽ mở ra những cơ hội mới, tạo ra những giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực chống chịu của cộng đồng và xã hội dựa trên nền tảng của công nghệ số, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc với trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Qua đó, Trường Đại học Văn Lang tiếp tục khẳng định sứ mệnh của một đại học truyền cảm hứng và tác động tích cực đối với xã hội.

Tin: Trang Phương – Gia Hân
Ảnh: Đăng Anh

Thẻ