Theo lời mời từ Bộ Giáo Dục và Đào tạo về việc tham gia “Tọa đàm chuyên gia trong nước và quốc tế về liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” diễn ra ngày 18/12/2023, TS. Nguyễn Hữu Cương, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang đã có bài tham luận về “Liên thông trong giáo dục Australia”.
Mục đích Tọa đàm lần này nhằm đánh giá thực trạng về đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học giai đoạn 2017-2023, triển khai theo Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học; Thảo luận lấy ý kiến góp ý trực tiếp của các cơ sở đào tạo về dự thảo Nghị định liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân để tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Nghị định.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, học tập tại Australia và nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, TS. Nguyễn Hữu Cương cho thấy hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Australia dựa trên mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền bang, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Trình bày tham luận “Liên thông trong giáo dục Australia”, TS. Nguyễn Hữu Cương chia sẻ, chính quyền bang sẽ cung cấp kinh phí, xây dựng chính sách, đưa ra quy định và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Australia có hơn 5000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiêu biểu là các trường TAFE (Technical and Further Education Institutes). Các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Australia cũng tích cực, chủ động cụ thể hóa các chính sách. Điều này đã giúp việc thực hiện liên thông đào tạo một cách hiệu quả và là mô hình để các quốc gia trên thế giới tham khảo. Chủ trì Tọa đàm đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của TS. Nguyễn Hữu Cương để đưa vào dự thảo Nghị định liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến tham gia từ các cơ sở đào tạo cả nước, đặc biệt là một số cơ sở đào tạo đến từ khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên..., nhằm góp ý và đề xuất một số kiến nghị để có thể triển khai đào tạo liên thông trong thời gian mang tính khả thi cao hơn, đáp ứng tốt nhất xu hướng và nhu cầu học tập suốt đời của người học.
Tin và Ảnh: Tiến Quang (Tổng hợp)
Thẻ
Gửi thất bại