Tiếp nối chuỗi chuyên đề pháp luật Dân sự - Thương mại, tăng cường kiến thức luật học, tạo cơ hội tiếp cận pháp luật quốc tế cho sinh viên, học viên Cao học, ngày 08/06/2024, Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang tổ chức buổi chuyên đề 3: “Điều khoản thỏa thuận về sở hữu trí tuệ trong các loại hợp đồng dân sự, thương mại - Một số lưu ý khi giao kết” tại Hội trường N2T1, Cơ sở chính.
PGS.TS. Bùi Anh Thủy - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang nhận định: “Sở hữu trí tuệ liên quan mật thiết đến vấn đề dân sự và quan hệ thươn g mại nhằm đảm bảo quyền lợi của các chủ thể khi thực hiện giao kết. Trong khuôn khổ chuỗi chuyên đề pháp luật về dân sự - thương mại, hội thảo hứa hẹn sẽ mang đến cơ hội trao đổi về pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và thế giới cho sinh viên Khoa Luật nói riêng và cộng đồng đam mê nghiên cứu nói chung.”
Được dẫn dắt bởi TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng - Nghiên cứu sau Tiến sĩ, Trường Đại học Đông Phần Lan, chuyên đề “Điều khoản thỏa thuận về sở hữu trí tuệ trong các loại hợp đồng dân sự, thương mại - Một số lưu ý khi giao kết” đã thu hút sự tham gia của hơn 200 cán bộ, giảng viên, học viên cao học và sinh viên trong và ngoài ngành Luật cùng tham dự. Mở đầu chuyên đề bằng cách giới thiệu thực tiễn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng đã mang đến cái nhìn tổng quan về quyền sở hữu trí tuệ trong hợp đồng dân sự, thương mại, tính cấp thiết của việc thực hiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Trao đổi về các điều khoản sở hữu trí tuệ trong hợp đồng, diễn giả đã làm rõ quy định pháp luật Việt Nam và liên hệ đến thực tiễn của nhiều quốc gia khác cũng như gợi mở giải pháp khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. TS. Bích Hằng cũng đưa ra những lưu ý trong đàm phán và soạn thảo các nội dung liên quan đến đồng sở hữu, đồng tác giả, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Cụ thể, theo Tiến sĩ, chủ thể là vấn đề cần được ưu tiên xem xét và căn cứ chuyển giao quyền thông qua các tài liệu chứng minh. Việc định giá sản phẩm trí tuệ cần xem xét khả năng khai thác thương mại, lợi ích cho bên mua cũng như bên bán. Đặc biệt, diễn giả nhấn mạnh điều khoản hạn chế cạnh tranh trong hợp đồng, trong đó, thỏa thuận về nghĩa vụ bảo vệ bí mật kinh doanh và chế độ tài chính đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Với chủ đề sở hữu trí tuệ trong hợp đồng dân sự, thương mại, nhiều sinh viên tham dự tích cực đặt câu hỏi, bàn luận sôi nổi. Đồng thời, sinh viên đặt nhiều sự quan tâm đến những vấn đề nhức nhối hiện nay như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thiết kế thời trang, trò chơi điện tử. Cùng 2 chuyên đề “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Pháp luật Hoa Kỳ” và “Sự chồng lấn trong bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ - Tác động đến sự đổi mới và cạnh tranh” đã diễn ra vào tháng 05/2024, chuyên đề “Điều khoản thỏa thuận về sở hữu trí tuệ trong các loại hợp đồng dân sự, thương mại - Một số lưu ý khi giao kết” đã góp phần tăng cường kiến thức pháp luật Dân sự - Thương mại cho người tham dự. Với sự tham gia của các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực Luật học đang giảng dạy và nghiên cứu tại các trường quốc tế, chuỗi chuyên đề đã tạo nên không gian trao đổi học thuật, gợi mở nhiều vấn đề mới, giúp sinh viên Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang gặt hái thêm kiến thức hữu ích.
Tin: Ánh Minh
Hình: Đắc Khánh
Thẻ
Gửi thất bại