Nâng cao chất lượng học thuật trong môi trường đại học, khuyến khích nghiên cứu khoa học, xây dựng văn hóa học đường tích cực và mở rộng hợp tác quốc tế là những mục tiêu được chú trọng tại Trường Đại học Văn Lang (VLU). Hằng năm, Nhà trường tổ chức các bài giảng đại chúng với sự dẫn giảng của các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế hàng đầu trong các lĩnh vực, tạo cơ hội để giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên tiếp cận với những thông tin chuyên sâu, tiến tới xây dựng cộng đồng học thuật Văn Lang ngày càng lớn mạnh.
Ngày 18/6/2025 vừa qua, Trường Đại học Văn Lang vinh dự đón tiếp hai giáo sư danh tiếng Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore - NUS) - Giáo sư Lim Chwee Teck - Giám đốc Viện Đổi mới và Công nghệ Y tế và Giáo sư Dean Ho - Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh đến tham quan và có những chia sẻ bổ ích về các nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực y tế số và công nghệ y tế.
Giáo sư Lim Chwee Teck hiện là Giáo sư NUSS (NUSS Chair Professor) và Giám đốc Viện Đổi mới và Công nghệ Y tế (Institute for Health Innovation and Technology) tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Ông cũng là Giám đốc sáng lập của Singapore Health Technologies Consortium (Liên danh Công nghệ Y tế Singapore). Lĩnh vực nghiên cứu của Giáo sư Lim bao gồm cơ sinh học bệnh lý người và phát triển các công nghệ y tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe, với trọng tâm là chuyển giao từ phòng thí nghiệm đến thực tiễn lâm sàng. Giáo sư Dean Ho hiện là Giáo sư (Provost’s Chair Professor), Giám đốc Viện Y học Kỹ thuật số (WisDM) trực thuộc Trường Y Yong Loo Lin; Giám đốc Viện Y tế N.1 (N.1 Institute for Health) và Trưởng Khoa Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Ông dẫn dắt một nhóm nghiên cứu hàng đầu đã thực hiện các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người trong các lĩnh vực y học trường thọ kỹ thuật số, ung thư học kỹ thuật số và ứng phó đại dịch, mang lại những kết quả có ý nghĩa cứu sống người bệnh. Giáo sư Ho cũng là tác giả của cuốn sách bán chạy Medicine Without Meds, một cẩm nang định hướng đổi mới sáng tạo mang tính ứng dụng nhằm đưa các giải pháp đột phá đến với người bệnh và cộng đồng chăm sóc sức khỏe. |
Đến với Trường Đại học Văn Lang, GS. Lim Chwee Teck chia sẻ nội dung mang tính đột phá với sự chuyển dịch sang y học cá nhân hóa với các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị đeo thông minh và vũ trụ y tế số (health metaverse). Trong đó, găng tay thực tế ảo HaptGlove là sáng kiến thú vị, cho phép sinh viên Y khoa thực tập thăm khám bệnh nhân một cách chân thực. Theo đó, găng tay mô phỏng chính xác cảm giác thăm khám bệnh nhân ảo, kể cả khi người bệnh có khối u dưới da. Đây là một trong những giải pháp công nghệ ứng dụng thực tế ảo và AI trong đào tạo và thực hành y khoa được áp dụng tại NUS.
Vừa là nhà nghiên cứu vừa là người thử nghiệm trong dự án DELTA, GS. Dean Ho đã trình bày những thay đổi tích cực của bản thân cùng quá trình tối ưu hóa sức khỏe của các cá nhân tham gia dự án từ trao đổi chất, giấc ngủ đến hiệu suất hoạt động. Việc ứng dụng công nghệ trong y khoa mở ra khả năng chẩn đoán bệnh sớm và chính xác hơn, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả theo hướng cá nhân hóa. Song song đó, công nghệ này còn có khả năng dự đoán và phòng ngừa, nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe bệnh nhân đúng thời điểm, chính xác và phù hợp với từng cá nhân. Ông kỳ vọng bước tiến trong nghiên cứu này sẽ thay đổi cách mọi người cải thiện sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho cộng đồng.
Phần trình bày của hai giáo sư với nhiều nội dung mang tính phát hiện và ứng dụng cao thu hút sự quan tâm của đông đảo giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang. Bên cạnh các câu hỏi sâu về chuyên môn, các nhà quản lý, giảng viên Văn Lang đặt ra nhiều câu hỏi về hợp tác và cơ hội trải nghiệm cho sinh viên Văn Lang, mở ra hướng phát triển trong quan hệ hợp tác giữa hai trường, kết nối người học, tăng cường giao lưu trao đổi học thuật. GS. Lim Chwee Teck hy vọng thời gian tới NUS sẽ đón tiếp sinh viên Văn Lang đến tham quan và thực hành thí nghiệm vài tháng.
Ấn tượng với thông điệp “Where Impact Matters” của Văn Lang, GS. Dean Ho khích lệ tập thể nhân sự Văn Lang cũng như cộng đồng người học tự tìm cách để tạo tác động lan tỏa cho riêng mình. Đó có thể là các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ người học trong môi trường VLU, hoặc đơn giản chỉ là tiếp thu kiến thức một cách nghiêm túc để có thể cứu chữa được nhiều người trong tương lai nhờ vào kỹ năng và sáng kiến của các bạn.
Bài giảng đại chúng của hai giáo sư NUS gợi ra nhiều suy ngẫm cho khối ngành Khoa học Sức khỏe của Trường Đại học Văn Lang, vốn phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây. Khối ngành Khoa học Sức khỏe gồm các ngành: Y Đa khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học. Sinh viên VLU được học tập và thực hành với cơ sở vật chất hiện đại được xây dựng theo mô hình bệnh viện - trường học, bao gồm nhiều phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng khám đa khoa, vườn dược liệu… Đặc biệt, Trung tâm Huấn luyện Kỹ năng Y khoa với hệ thống thiết bị mô phỏng lâm sàng tiên tiến, 370 mô hình thực hành y khoa thuộc 112 loại và 8 nhóm chuyên khoa, tổng kinh phí đầu tư lên tới hàng triệu đô la được khánh thành và đưa vào giảng dạy từ tháng 10/2024.
Bắt kịp xu hướng phát triển, Khối ngành Khoa học Sức khỏe Trường Đại học Văn Lang là đơn vị hàng đầu trong đào tạo nha khoa kỹ thuật số tại Việt Nam. Trong chương trình đào tạo, sinh viên được thực hành thường xuyên với máy quét kỹ thuật số, thực hành mô phỏng được chấm điểm với phần mềm Prepcheck, kiến tập và thiết kế hàm khung với phần mềm kỹ thuật số, thực hành máng nhai kỹ thuật số, in khí cụ chỉnh nha 3D, phân tích phim với phần mềm phân tích có hỗ trợ AI… Các trang thiết bị y tế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp sinh viên trực tiếp thực hành trên các mô hình mô phỏng toàn diện chức năng sinh lý, bệnh lý như người thật trước khi tiến tới xử lý các tình huống lâm sàng, hạn chế tối đa sai sót trong quá trình học và hành nghề.
Chiều cùng ngày, đại diện hai trường đã có buổi làm việc và trao đổi một số nội dung liên quan đến tiềm năng hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học để ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng chuyên sâu. Đồng thời, đây là minh chứng cho sự quyết tâm và nỗ lực khẳng định vai trò tiên phong của Văn Lang trong việc trang bị cho sinh viên kỹ năng, kiến thức cần thiết để sẵn sàng thích ứng và dẫn đầu trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi. Thông qua cam kết cùng nhau kiến tạo giá trị bền vững về học thuật, nghiên cứu, tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm, Trường Đại học Văn Lang tiếp tục khẳng định quyết tâm trên hành trình phát triển giáo dục theo tiêu chuẩn và định hướng quốc tế.
Đại học Quốc gia Singapore là đại học top 8 thế giới và top 1 châu Á (QS World University Rankings 2024). Năm 2024, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Trường Đại học Văn Lang (VLU) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác thúc đẩy các hoạt động học thuật, nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. |
Ngày 23/01/2024, Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo về ngành công nghệ bán dẫn ở Việt Nam với chủ đề “Thách thức và cơ hội cho phát triển lực lượng lao động” với sự tham gia của GS. Aaron Thean - Phó Hiệu trưởng Học thuật của NUS.
Từ ngày 19-21/9/2024, VLU và NUS đồng tổ chức chương trình VLU Summer School - một khóa học chuyên sâu với chủ đề “Bán dẫn: Từ vật liệu đến ứng dụng”. Đây là cơ hội học tập và giao lưu quý giá cho sinh viên, giảng viên, nhân viên và kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Tin: Nguyệt Môn
Ảnh: Ngọc Duy
Thẻ
Gửi thất bại