Sinh viên Văn Lang đón Tết 3 Miền

Tác Giả
Thu Hương
Ngày
23/01/2023(84 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của Việt Nam, song ở mỗi vùng miền có những phong tục đón tết đặc trưng riêng. Hãy cùng sinh viên Văn Lang tìm hiểu nét truyền thống khi đón Tết ở 3 miền trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán vừa qua nhé!

Sinh viên Văn Lang vui Tết 3 miền

Tết Miền Bắc

Nhắc tới Tết miền Bắc, phải nói đến bánh chưng và bánh giầy. Bánh chưng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông. Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt, đặc biệt ở phía Bắc. 

vlu-goi-banh-chung-banh-tet-tet-quy-mao-thumb.jpg
Hằng năm Công Đoàn trường Đại học Văn Lang tổ chức Ngày hội gói bánh chưng dành cho các công đoàn viên

Là sinh viên ở “đầu cầu” phía Bắc, nhập học Trường Đại học Văn Lang, bạn Đặng Thị Ngân (khóa 28, Khoa Thương mại) chia sẻ về cái tết Hà Nội: “Mọi năm, mình thích nhất là khoảnh khắc giao thừa, vì đây là khoảnh khắc thiêng liêng và ý nghĩa nhất, mọi người trong gia đình sẽ tề tựu bên nhau, cùng nhau đi hái lộc đầu năm. Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm mâm xôi đậu xanh, con gà luộc hoặc đầu heo, bánh chưng, cau trầu rượu.”

Tết Miền Trung

Nét đặc trưng của miền Trung là ngày Tết sẽ gói bánh tét. Bánh tét được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu giống như bánh chưng, chỉ khác là gói thành hình trụ dài chứ không phải hình vuông. Bánh tét được coi là dạng nguyên thủy của bánh chưng, là biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa, được người miền Trung gìn giữ.

Bạn Đỗ Thị Hồng Minh (sinh viên Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông), hiện đang ở Khánh Hòa cho biết: Tết đến, xuân về, mình sẽ cùng mẹ chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết như thịt kho hột vịt và gói bánh tét. Đồng thời, mình giúp gia đình trang trí nhà cửa bằng những cành mai, chậu cúc để chào đón xuân.

vlu-tet-3-mien-b.jpg

Về mâm ngũ quả, người dân miền Trung một nắng hai sương chất phác, vì thế mà cũng không quá câu nệ hình thức của mâm ngũ quả, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Ngoài ra, vì ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (xài), sung, với mong muốn một năm mới sung túc, đủ đầy.

Tết Miền Nam

Với miền Nam, hoa mai là loại hoa không thể thiếu trong các gia đình vào ngày tết. Những ngày trước tết, mọi nhà săn tìm cho mình một cây mai ưng ý nhất để chưng trong nhà những ngày tết. Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu – dừa – đủ – xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là “cầu vừa đủ xài” – mong ước trong năm mới.

vlu-tet-3-mien-c.jpg
Hoa mai tươi sắc lung linh tại cơ sở chính của Trường Đại học Văn Lang
vlu-tet-3-mien-d.jpg
Các mâm ngũ quả “chuẩn miền Nam” được công đoàn viên Trường Đại học Văn Lang chuẩn bị công phu

Tết ở miền Nam rơi vào mùa khô. Do thời tiết nắng nóng nên mâm cỗ của các gia đình miền Nam thường đơn giản với các món nguội. Trên mâm cỗ của người miền Nam thường có 3 món chính là bánh tét, bánh tráng và thịt kho tàu.

vlu-tet-3-mien-e.jpg
Khoảnh khắc đón tết sum vầy bên gia đình của sinh viên Văn Lang tại miền Nam

Nói về cảm nhận của mình với cái tết phương Nam, bạn Nguyễn Triệu Mỹ Như (sinh viên khóa 27, ngành Ngôn ngữ Anh) chia sẻ: “Theo em, tết với người miền Nam chỉ bắt đầu trước ngày mùng 1 chừng 3 ngày, nhưng kéo dài tới tận Rằm tháng giêng âm lịch. Người miền Nam là mùng 1 tết thường dành cho gia đình theo đúng nghĩa “mùng một tết cha”. Vào ngày này, con cháu trong gia đình tập trung về chúc tết ông bà, sau đó mới vui chơi cùng bạn bè và tham gia lễ hội hoặc đến các điểm vui chơi giải trí.”

Từ ngày 05/02/2023, sinh viên Văn Lang sẽ tập trung về Trường để bắt đầu học kỳ hai năm học 2022 - 2023. Chúc sinh viên Văn Lang khắp 3 miền luôn gặt hái thành công trên con đường học tập của mình.

Bài viết: Thu Hương

Thẻ