Ngày 30/06/2023, TS. Trương Gia Quyền - Tiến sĩ Đại học ngôn ngữ Bắc Kinh đã gặp mặt, trò chuyện cùng sinh viên Văn Lang, bàn về cách học Hán tự và con đường chinh phục tiếng Trung tại talkshow talkshow “Phương pháp học Hán tự” dành cho sinh viên ngành Đông Phương học, chuyên ngành Trung Quốc học.
Phân tích sâu về chữ Hán tự, TS. Trương Gia Quyền cho biết, chữ Hán là chữ viết tượng hình của tiếng Trung Quốc. Chữ Hán du nhập vào các nước lân cận trong vùng bao gồm Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam và được các quốc gia này vay mượn để tạo nên chữ viết cho ngôn ngữ của dân bản địa. Với thể loại chữ tượng hình, vẽ lại sự vật cụ thể bằng những nét đơn giản nhất nên đằng sau mỗi một chữ đều gắn với một câu chuyện và ý nghĩa riêng, nếu viết thiếu hoặc thừa dù chỉ một nét sẽ sai và không còn mang ý nghĩa ban đầu.
Hán tự mô phỏng theo hình dáng của sự vật, phác thảo những vật có thể thấy bằng mắt. Tính chất tượng hình của chữ Trung Quốc nằm ở chữ độc thể, cũng là các bộ chữ, tạo trực quan sinh động cho người học. Sau này khi bút lông và giấy xuất hiện, người Trung Quốc đã điều chỉnh nét chữ mềm mại và dễ viết hơn.
Từ những nguyên lý chữ viết, TS. Trương Gia Quyền lưu ý sinh viên những cách học Hán tự hiệu quả. Trước khi viết, phải tìm hiểu từ này xuất phát từ bộ nào, ý nghĩa và câu chuyện như thế nào. Khi đặt bút, nên viết theo quy tắc nét ngang trước, nét dọc sau. Phương pháp viết từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, từ trái qua phải sẽ dễ ghi nhớ chữ hơn.
Để học nhanh và mô phỏng tương đối Hán tự, một bộ phận người học hiện nay thường phiên âm Hán tự hoàn toàn ra tiếng Việt để đọc. Về cách học này, TS. Trương Gia Quyền cho biết: “Cách học này được gọi là tiếng bồi, được dùng trong giao tiếp buôn bán, hoặc du lịch trong thời gian ngắn. Nếu lạm dụng cách học này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến phát âm của các bạn. Phương pháp học này là tạm thời không thể áp dụng vào chuyên môn hoặc nghiên cứu chuyên sâu”.
“Cho dù học bất cứ lĩnh vực gì, điều quan trọng nhất vẫn là định hướng và mục tiêu của bản thân phải rõ ràng ngay từ đầu, từ đó mới có phương pháp phù hợp để phát triển lâu dài. Việc học tiếng Trung ngày nay không chỉ gói gọn trong việc giao tiếp với người Trung mà còn với rất nhiều nước khác như Singapore, Malaysia, Hongkong, Đài loan,.. Học ngôn ngữ cũng là nền tảng để chúng ta hiểu sâu về nền văn hóa của một quốc gia, một đất nước.” TS. Nguyễn Tiến Lập - Trưởng bộ môn Trung Quốc học Khoa Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Văn Lang gửi gắm đến các sinh viên.
Những chia sẻ về cách học phân tích chữ của TS. Trương Gia Quyền giúp cho việc ghi nhớ Hán tự trong tiếng Trung trở nên dễ dàng và sinh động hơn. Sự đa dạng trong phương pháp học tập và tiếp thu nâng cao chất lượng học tiếng Trung của sinh viên Khoa Xã hội và Nhân văn, tạo thêm động lực và hứng thú trên con đường chinh phục ngoại ngữ.
Tin: Ngân Phạm
Hình: Gia Vy
Thẻ
Gửi thất bại