Sinh viên ngành Thiết kế Thời trang thực hành kỹ thuật nhuộm chàm

Tác Giả
Võ Huỳnh Anh Thư
Ngày
02/08/2023(230 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 03/08/2023, Khoa Mỹ thuật và Thiết kế Trường Đại học Văn Lang tổ chức workshop chủ đề “Kỹ thuật nhuộm chàm”, giúp sinh viên ngành Thiết kế Thời trang thực hành kỹ thuật nhuộm chàm, phân biệt các loại sợi vải.

Nhuộm chàm là một trong những kỹ thuật nghề đặc trưng, giàu truyền thống văn hóa của người H’Mông tại Việt Nam. Mỗi độ tháng 7 hàng năm, người ta cắt chàm về, đem vò nát lấy nước hòa lẫn lớp tro bếp để nhuộm vải, tạo nên sắc xanh đậm riêng biệt cho trang phục người dân H’Mông. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, con người đã sáng tạo nên nhiều phương pháp nhuộm hóa học tiện lợi, nhanh chóng hơn.

vlu-sinh-vien-thiet-ke-thoi-trang-ky-thua-nhuom-cham-b.jpg
Vải nhuộm chàm là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người H’Mông.

Các nhà máy trên thế giới hiện ưa chuộng ứng dụng bột chàm vào quá trình sản xuất. Loại bột này có thể hỗ trợ thúc đẩy thời gian nhuộm nhanh hơn, lên màu chỉ sau một lần nhuộm duy nhất và có thể ứng dụng trên nhiều dạng sợi vải khác nhau. Tuy nhiên, song song với những tiện ích đó, không thể phủ nhận bột chàm này vẫn là một loại thuốc nhuộm tồn tại những biến đổi hóa học đòi hỏi người thợ phải nắm bắt nguyên lý hoạt động cách chặt chẽ.

Buổi tìm hiểu và thực hành kỹ thuật nhuộm chàm được dẫn dắt bởi diễn giả Lê Võ Sơn Quân. Anh được biết đến là một người trẻ đam mê kỹ thuật nhuộm tự nhiên (Eco-Dyeing). Đây là kỹ thuật nhuộm màu vải sợi bằng các chiết xuất từ hoa lá, cây cỏ, khoáng vật,... trong tự nhiên. Diễn giả Lê Võ Sơn Quân hiện là một trong hai nhà sáng lập công ty Mộc Nhiên - Chuyên cung cấp vải nhuộm tự nhiên ở Việt Nam.

vlu-sinh-vien-thiet-ke-thoi-trang-ky-thua-nhuom-cham-c.jpg
Diễn giả Lê Võ Sơn Quân đã mang đến lớp học hữu ích cho sinh viên ngành Thiết kế Thời trang Trường Đại học Văn Lang.

Theo anh Sơn Quân, nhuộm chàm nói riêng hay nhuộm tự nhiên nói chung mang đến nhiều sự thú vị cho người làm. Đối với mỗi nguyên liệu khác nhau, tùy vào thay đổi môi trường, độ pH, chất cầm màu sẽ cho ra một màu sắc khác nhau. Diễn giả cho biết, việc nhuộm chàm đòi hỏi người nhuộm phải tuân thủ những quy tắc nhất định: nước sôi ở nhiệt độ 80-90 độ, hạn chế tối đa việc chàm tiếp xúc với không khi,... Anh Lê Võ Sơn Quân chia sẻ: “Để trở thành thợ nhuộm chuyên nghiệp, các bạn cần trải qua thời gian dài tôi luyện, phải nắm vững từ những kiến thức cơ bản nhất.”

vlu-sinh-vien-thiet-ke-thoi-trang-ky-thua-nhuom-cham-d.jpg
Các bạn sinh viên hào hứng thực hiện sản phẩm nhuộm chàm đầu tay của mình

“Chất lượng” và “số lượng” là cụm từ phù hợp nhất để nói về công việc nhuộm chàm. Để tạo nên một tấm vải chàm đẹp đòi hỏi không chỉ kỹ năng thuần thục mà còn phụ thuộc vào nguyên liệu đạt chuẩn, cần cân – đo – đong – đếm khối lượng một cách tỉ mỉ, cẩn thận để tạo nên một mẻ chàm “sống”.

vlu-sinh-vien-thiet-ke-thoi-trang-ky-thua-nhuom-cham-a.jpg
“Mẻ” nhuộm đầu tay của sinh viên Thiết kế Thời trang Trường Đại học học Văn Lang đã hoàn thành.

Các lớp học cùng nghệ nhân, chuyên gia là những khoảng thời gian học tập sinh động, mang đến nhiều giá trị cho người học Văn Lang nói chung và sinh viên ngành Thiết kế Thời trang Văn Lang nói riêng. Với cá tính, sự độc bản và tinh thần sáng tạo không giới hạn vốn hữu, những lớp học chuyên sâu này sẽ bổ sung năng lượng cảm hứng, giúp sinh viên ngành Thiết kế Thời trang tiếp tục tạo ra những sản phẩm độc đáo, thu hút công chúng và thể hiện trọn vẹn sức trẻ, tài năng đầy tự hào của sinh viên Văn Lang.

Tin: Võ Huỳnh Anh Thư
Hình: Chí Thiện

Thẻ