Với phương châm học tập thông qua trải nghiệm, sáng 10/05/2025, Khoa Mỹ thuật Thiết kế Trường Đại học Văn Lang khai mạc workshop “Sắc lụa vượt thời gian”. Workshop là dịp nhìn lại lịch sử tranh lụa và tái hiện lại hành trình sáng tạo tranh lụa của Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Kim Bạch với nhiều năm tâm huyết với tranh lụa.
Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch là một trong những gương mặt tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, đặc biệt ở thể loại tranh lụa. Trong bối cảnh chiến tranh, chất liệu sơn dầu khan hiếm, tranh lụa trở thành lựa chọn sáng tác chủ đạo của họa sĩ. Về sống tại TP.HCM sau khi nghỉ hưu, Hoạ sĩ Kim Bạch vẫn miệt mài sáng tác, thỉnh giảng hình họa và tích cực tham gia các hoạt động mỹ thuật như triển lãm cá nhân, nhóm và hướng dẫn thực hành vẽ tranh lụa.
Tranh lụa là một chất liệu độc đáo trong mỹ thuật Việt Nam, không được gọi tên theo màu sắc như thông lệ, mà theo chính chất liệu nền. Dù có thể sử dụng nhiều loại màu như bột màu, màu nước, mực nho, tempera hay sơn mài, điều cốt lõi của tranh lụa vẫn là giữ được vẻ trong trẻo, mờ ảo, đầy chất thơ của nền lụa. Chính vì vậy, họa sĩ vẽ lụa phải có kỹ thuật vững vàng, nét bút gọn gàng, dứt khoát để tôn lên sự mềm mại, thanh thoát của tranh.
Lịch sử tranh lụa Việt Nam ghi dấu những cá nhân đầy cá tính và đột phá. Từ thập niên 1930, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh – người tiên phong trong dòng tranh lụa hiện đại – đã đi ngược xu hướng sơn dầu để gắn bó với lụa, mang đến những tác phẩm đậm chất truyền thống như Chơi ô ăn quan hay Hầu đồng. Trong kháng chiến, nhiều sinh viên Trường Mỹ thuật kháng chiến (1950–1954) cũng thực hành tranh lụa, dù không theo đuổi lâu dài. Đến thế hệ Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam (1957–1961), tranh lụa tiếp tục được phát triển và làm giàu thêm ngôn ngữ biểu đạt thông qua các tên tuổi lớn như Nguyễn Thụ, Vũ Giáng Hương – những “cây đại thụ” đã định hình phong cách và vị thế của tranh lụa trong mỹ thuật Việt Nam.
Trưởng Khoa Mỹ thuật & Thiết kế Trường Đại học Văn Lang - ThS. Họa sĩ Phan Quân Dũng cũng là học trò cũ của Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch. Thầy xúc động khi được gặp lại người cô từng để lại dấu ấn sâu đậm trong hành trình nghệ thuật của mình. Với Thầy, tranh lụa của Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch không chỉ đặc biệt ở kỹ thuật vững vàng hay nét bút dứt khoát, mà còn ở sự thấm đẫm cảm xúc – nơi từng lớp màu như được nhuộm vào sợi lụa, mềm mại mà sâu lắng. Hơn cả một buổi thực hành, thầy Dũng xem workshop lần này là cơ hội quý báu để thế hệ trẻ được chạm đến tinh thần nghệ thuật đích thực, và để những người đi trước truyền lại ngọn lửa đam mê bằng sự kiên trì và tình yêu bền bỉ dành cho nghề.
Trong khuôn khổ workshop, Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch chia sẻ kỹ năng, bí quyết xử lý lụa của cá nhân. Trong đó nhấn mạnh việc cảm nhận bố cục trên lụa là yếu tố then chốt. Theo Hoạ sĩ, yếu tố then chốt làm nên giá trị thẩm mỹ của tranh lụa nằm ở nhãn quan bố cục. Bên cạnh đó, việc căng lụa chuẩn xác và lớp hồ mỏng phủ ngoài cũng được họa sĩ xem là những công đoạn quan trọng trong quy trình tạo nên tác phẩm lụa đặc trưng.
Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch đã trực tiếp thực hiện quy trình chuẩn bị lụa vẽ tranh tỉ mỉ, bắt đầu bằng thao tác giặt lụa trong nước nóng và nhẹ nhàng bóp, rồi xả sạch lớp hồ bằng nước lạnh. Tiếp đó, lụa được căng phẳng trên khung, sẵn sàng cho quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Nhà giáo Ưu tú, Họa sĩ Lê Thị Kim Bạch trực tiếp hướng dẫn và chỉnh sửa từng nét vẽ trên tác phẩm lụa của các giảng viên. Không chỉ lắng nghe lý thuyết, giảng viên còn có cơ hội thực hành ngay tại chỗ, biến sự kiện thành một “trại sáng tác” sống động, nơi kiến thức và kinh nghiệm được trao đổi một cách trực quan và hiệu quả.
Tin: Đức Pháp
Hình: Đức Anh
Thẻ
Gửi thất bại