Ngày 25/12/2024, Trường Đại học Văn Lang đã tổ chức nghiệm thu 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường của sinh viên Khoa Luật.
Nhóm nghiên cứu gồm các sinh viên Nguyễn Anh Thy, Nguyễn Đinh Hà Giang, Trần Nguyễn Thanh Giang, do Nguyễn Anh Thy làm Chủ nhiệm, dưới sự hướng dẫn của ThS. NCS Lê Hồ Trung Hiếu – giảng viên Khoa Luật, Trường đại học Văn Lang đã nghiên cứu thành công đề tài “Bảo hộ quyền tác giả trong sử dụng công cụ ChatGPT theo pháp luật Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới - Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam”.
Kết quả cho thấy, từ khi công cụ ChatGPT xuất hiện, một vấn đề mà cộng đồng rất quan tâm đó là quyền tác giả đối với các tác phẩm do ChatGPT tạo ra. Trên thực tế, tại Việt Nam, đã có nhiều vụ kiện xảy ra nhưng Toà án gặp những trở ngại trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với loại sản phẩm này cũng như trong việc xác định ai là chủ sở hữu. Các quốc gia hiện nay có những quan điểm khác nhau về quy định bảo hộ cho loại tác phẩm này nhưng nhìn chung đều xác định chủ sở hữu được bảo hộ vẫn là con người (lập trình viên, người sử dụng,…). Do đó, pháp luật Việt Nam cần quy định cụ thể hơn về vấn đề này trong Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2019, 2022), đặc biệt cần phải xem xét một tư cách đặc biệt độc lập trong tương lai khi ChatGPT hoàn toàn có thể tự động tạo ra tác phẩm mà không có sự can thiệp của con người.
Đề tài thứ hai “Pháp luật về ứng dụng Blockchain trong kinh doanh bất động sản tại một số quốc gia - Bài học kinh nghiệm với Việt Nam” do nhóm sinh viên Nguyễn Ngọc Bảo Trân, Phạm Hoàng Ngân, Thái Thị Huyền, Hoàng Thị Xuân Anh, Nguyễn Ngọc Gia Hân thực hiện, do Nguyễn Ngọc Bảo Trân làm Chủ nhiệm, với sự dẫn dắt của ThS. NCS Vũ Thị Bích Hải và ThS. NCS Lê Hồ Trung Hiếu. Kết quả nghiên cứu rất ấn tượng.
Theo báo cáo của nhóm tác giả, Blockchain đã và đang được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống và dần được thừa nhận các giá trị tích cực mà nó mang lại. Tại nhiều quốc gia, Blockchain được sử dụng là nền tảng cho các giao dịch số, các thoả thuận được mã hoá đảm bảo tính bảo mật, nhanh chóng và chính xác. Blockchain còn là cơ sở để xây dựng những loại phương tiện thanh toán dựa trên các ngôn ngữ lập trình để thúc đẩy sự nhanh chóng của các hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh ấy, nhóm tác giả đã lựa chọn kinh doanh bất động sản là đối tượng để xem xét và đánh giá. Bên cạnh những lợi ích của Blockclain khi được ứng dụng vào trong hoạt động này, Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra một số vấn đề mà các quốc gia cần quan tâm để xây dựng quy định pháp luật cho phù hợp như tính hợp pháp của tiền ảo, cách thức quản lý Blockchain và hợp đồng thông minh, hoạt động công chứng,… Thông qua những tình huống thực tiễn tại một số quốc gia, nhóm tác giả đưa ra cách nhìn toàn diện về ứng dụng này để xây dựng bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Hội đồng nghiệm thu đề tài do PGS.TS. GVCC Bùi Anh Thuỷ làm Chủ tịch nhận định: cả hai công trình nghiên cứu đều có tính ứng dụng cao và mang tính thời sự, tính mới, đóng góp tích cực cho mục tiêu hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đã được công bố trong các Tạp chí Khoa học có uy tín, được chọn trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia, được giải thưởng.
Những nghiên cứu đầy tiềm năng này không chỉ thể hiện năng lực của sinh viên Luật Trường Đại học Văn Lang mà còn khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số. Trong thời gian sắp tới, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên của Khoa Luật sẽ tiếp tục được đưa ra nghiệm thu cấp Trường.
Tin: ThS. NCS Lê Hồ Trung Hiếu
Ảnh: Ban Truyền thông Khoa Luật
Thẻ
Gửi thất bại