Nhiều tham luận giá trị tại Hội thảo du lịch Quốc gia 2024 về phát triển du lịch bền vững cho Việt Nam

Tác Giả
Thu Hà - Phú Hậu
Ngày
18/04/2024(1286 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 19/04/2024, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Hội thảo du lịch quốc gia với chủ đề “Ứng dụng công nghệ số, khai thác giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”.

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-a.jpg

Hội thảo du lịch Quốc gia 2024 với chủ đề “Ứng dụng công nghệ số, khai thác giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” là nơi gặp gỡ của những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, nhà lãnh đạo, doanh nghiệp sáng tạo và các giảng viên giảng dạy về du lịch. Tại sự kiện, khách mời cùng người tham dự cùng nhau tìm hiểu, thảo luận và chia sẻ những kiến thức, ý tưởng và kinh nghiệm về cách ứng dụng công nghệ thông minh để khai thác giá trị di sản và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-b.jpg

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: "Tôi rất thích chủ đề của hội thảo hôm nay, đặc biệt là về di sản, về phát triển bền vững, trong đó có ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh. Tôi nghĩ 3 giá trị này nếu kết hợp một cách nhuần nhuyễn sẽ tạo ra cho Việt Nam một vị thế mới trong phát triển ngành Du lịch. Đó cũng là câu hỏi rất lớn của Văn Lang trong quá trình đào tạo các bạn sinh viên khối ngành Du lịch. Chúng tôi rất mong muốn sự kết hợp liên ngành để làm sao nâng tầm những giá trị về văn hóa về lịch sử, về di sản của con người Việt Nam và qua đó phát triển được Du lịch. Chúng tôi rất mong từ kết quả của hội thảo sẽ thiết kế được những chương trình để chuyển tải tốt giá trị về mặt khoa học mà các Thầy Cô đã nghiên cứu vào thực tế, đóng góp thật sự cho xã hội, cho quá trình phát triển du lịch của TP.HCM, Huế, Hà Nội và của Việt Nam nói chung; đóng góp cho chương trình đào tạo sinh viên cho tương lai của đất nước."

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-c.jpg
PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ đào tạo Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết sau Covid-19, du lịch Việt Nam đang dần phục hồi theo chiều hướng tích cực, được nhà nước đặc biệt quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách hiệu quả. Tuy nhiên, ngành Du lịch nước nhà vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, cần sự thảo luận, đóng góp của các chuyên gia để tìm ra phương hướng khắc phục.

Ứng dụng số trong lĩnh vực du lịch

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-e.jpg

Khái quát về bối cảnh của nền cách mạng công nghệ 4.0, PGS. TS. Lê Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ đào tạo Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết công nghệ 4.0 có biên độ rộng, tác động mạnh. Thông qua nó, du lịch thông minh hình thành và trở nên phổ biến. Với khả năng ứng dụng phong phú của mình, công nghệ 4.0 góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mô phỏng và tái hiện các giá trị tài nguyên du lịch, kết nối các phương thức du lịch thực tế ảo mang lại trải nghiệm lý thú cho người dùng. Tại Việt Nam, du lịch thông minh cũng đã được áp dụng và triển khai dưới một số hình thức như: Thẻ Du lịch thông minh, Ứng dụng du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, Hệ thống thuyết minh đa phương tiện… Bên cạnh đó, PGS. TS. Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh cần chú trọng đến nguồn lực nội tại, cơ sở hạ tầng chung, các chính sách, nguồn nhân lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch để tìm ra hướng đi đúng.

Du lịch di sản: Lược khảo tài liệu và các xu hướng nghiên cứu

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-f.jpg

Trình bày 6 chủ đề trọng tâm khi nghiên cứu về Du lịch di sản: Tính chân thật và bản sắc của di sản, nghiên cứu thị trường, bảo tồn di sản, khách du lịch quốc tế, quản lý du lịch và thị trường du lịch di sản, PGS. TS. Trần Hữu Tuấn - Hiệu trưởng Trường Du lịch - Đại học Huế cho biết đây là một trong những loại hình du lịch lâu đời và hiện nay ngày càng phát triển. Khi thực hiện nghiên cứu về du lịch di sản, phó giáo sư dựa theo 2 phương pháp Phân tích trắc lượng thư mục (Bibliometric analysis) và Phân tích nội dung (Content analysis), làm rõ những luận cứ và phân tích giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cảnh quan cho phát triển du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. 

Du lịch bền vững: Góc nhìn lý thuyết và thực tiễn

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-g.jpg

Khái niệm Du lịch bền vững (Sustainable Tourism) là loại hình du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương. Gắn liền với ba yếu tố thân thiện với môi trường, gần gũi về xã hội và văn hóa, phát triển kinh tế địa phương, Du lịch bền vững được ngành du lịch Việt Nam lựa chọn làm hướng đi trong nhiều năm nay, mang đến nhiều hiệu quả tích cực và toàn diện.

Chủ đề “Phát triển du lịch bền vững” được trình bày bởi PGS. TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, giúp khách mời xác định giải pháp tổng thể phát triển du lịch theo hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và tham gia thị trường carbon, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai, nâng cao tính bền vững về hệ thống xã hội, hệ thống tự nhiên và hệ thống con người.

PGS. TS. Phạm Hồng Long cũng dẫn chứng một vài quốc gia đẩy mạnh du lịch bền vững như Bhutan với chiến lược “High value, low impact”, linh hoạt trong chiến lược giá cả, tăng chi phí với mùa cao điểm và giảm chi phí với mùa thấp điểm; Thái Lan với chiến lược “Soft Power (5F)”, tập trung thúc đẩy các hoạt động nâng cao trải nghiệm của du khách; qua đó nhấn mạnh, muốn phát triển du lịch bền vững phải tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng. 

Cùng với phiên hội thảo buổi sáng, chiều cùng ngày, ba phiên tham luận về du lịch thông minh, du lịch bền vững, du lịch di sản được tổ chức song song, với 14 đề tài tham dự trình bày bởi các giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu sinh các trường đại học khắp cả nước. Các tham luận được thông qua dự kiến sẽ được in trong Kỷ yếu hội thảo du lịch Quốc gia 2024 có mã số xuất bản ISBN của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, nhân rộng giá trị Hội thảo và lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và giảng viên đến cộng đồng chuyên môn.

Phiên thảo luận về DU LỊCH THÔNG MINH

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-h.jpg
  1. Ứng dụng công nghệ du lịch thông minh trong marketing điểm đến du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh - TS. Trần Thị Thùy Trang, Trưởng Bộ môn Lữ hành, Trường Đại học Văn Lang 
  2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận trải nghiệm lưu trú tại khách sạn ứng dụng công nghệ thông minh của du khách tại Cần Thơ - NCS. ThS. Huỳnh Diệp Trâm Anh, Phụ trách Bộ môn Quản trị lữ hành, NCS tại Trường Du lịch, Đại học Huế, Bộ môn Quản trị lữ hành, Học viện Hàng không Việt Nam.
  3. Ứng dụng công nghệ số trong du lịch văn hóa tại tỉnh Bình Dương - ThS. Nguyễn Phương Hồng Phúc, Giảng viên Khoa Công nghiệp Văn hóa, Trường Đại học Thủ Dầu Một
  4. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dịch nghĩa văn bản cổ chữ Hán cho phát triển du lịch ở Việt Nam - Thái Hoàng Lâm, Nguyễn Gia Phúc, học viên cao học, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Phiên thảo luận về PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-i.jpg
  1. Phát triển du lịch sinh thái bền vững tại thành phố Phú Quốc - TS. Từ Ánh Nguyệt, Chuyên viên Sở Du lịch Kiên Giang
  2. Phát triển bền vững du lịch đường sông Thành phố Hồ Chí Minh - TS. Nguyễn Phước Hiền, Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
  3. Sản phẩm du lịch làng ven biển Gò Cỏ (Quảng Ngãi) dưới góc nhìn phát triển du lịch bền vững - Th.S Trần Thị Tuyết Sương, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM
  4. Cảnh quan văn hóa trong phát triển du lịch bền vững, một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam - ThS. Trần Đình Tuấn, Giảng viên Khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Tài chính Tp.HCM
  5. Phát triển du lịch gắn với phúc lợi động vật tại Việt Nam - ThS. Nguyễn Thị Thu, Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang 
  6. Đánh giá điều kiện khí hậu cho du lịch tại một số điểm đến ở Việt Nam - TS. Nguyễn Quang Anh, Giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Phiên thảo luận về DU LỊCH DI SẢN

vlu-nhieu-tham-luan-gia-tri-duoc-trinh-bay-tai-hoi-thao-du-lich-quoc-gia-2024-j.jpg
  1. Phát triển loại hình du lịch tâm linh tại chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội từ lý thuyết đại dương xanh - ThS. Liu Yin Liang, Nghiên cứu sinh Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội
  2. Khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tây Ninh - ThS. Nguyễn Thị Thao, Phó trưởng Bộ môn Lữ hành Trường Đại học Văn Lang 
  3. Du lịch di sản văn hóa ruộng bậc thang tại Đông Nam Á và bài học kinh nghiệm cho phát triển du lịch ở điểm đến ruộng bậc thang Mù Căng Chải - ThS. Đặng Thị Quốc Anh Đào, Giảng viên Bộ môn Đông Nam Á học; Khoa Xã hội học - Công tác xã hội - Đông Nam Á, Trường Đại học Mở Tp.HCM
  4. Xu hướng nghiên cứu bảo tồn, quản lý di sản kiến trúc đô thị trong phát triển du lịch - ThS. Nguyễn Vũ Quỳnh Thi, Phó trưởng Bộ môn Du lịch Trường Đại học Văn Lang

Tin: Thu Hà - Phú Hậu
Hình: Đắc Khánh - Hiểu Hòa - Gia Thuận - Trung Hiếu

 

Thẻ