Trong những ngày chờ đón “Tết ngành Giáo dục” 20/11, cộng đồng Văn Lang thêm niềm vui mới khi nhận tin TS. Phạm Văn Thế - Nhóm trưởng Nhóm Nghiên cứu Sinh thái Tài nguyên và Môi trường, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ VLU cùng nhóm nghiên cứu đã khám phá loài thực vật mới, đặt tên trà hoa vàng Văn Lang. Nghiên cứu được công bố trong Tạp chí chuyên ngành Thực vật học Taiwania (SCIE, Q3) của Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU).
TS. Phạm Văn Thế cho biết, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra loài này từ năm 2021 nhưng phải mất một thời gian dài để phân tích các đặc điểm, tham khảo tài liệu và thu thập thêm mẫu vật quả. Sau khi hoàn tất, nhóm mới quyết định công bố chính thức loài trà hoa mới cho khoa học.
Chọn tên Văn Lang đặt cho loài trà quý hiếm là cách thể hiện lòng tri ân của TS. Phạm Văn Thế với quốc hiệu đầu tiên của nước ta và Trường đại học mình đang công tác, đồng thời cũng để thể hiện niềm tự hào khi hô vang hai tiếng Văn Lang với cộng đồng khoa học quốc tế. Dựa trên các tiêu chí đánh giá tình trạng bảo tồn của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) năm 2019, loài trà hoa vàng này được xếp vào thứ hạng Cực kỳ nguy cấp (Endangered -CR), hạng mục B1ab(i-iv) + B2ab(i-iv).
Trà hoa vàng Văn Lang được tìm thấy trong rừng lá rộng thường xanh nguyên sinh xen lẫn với tre nứa ở độ cao khoảng 800m, thuộc huyện Lang Chánh và Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa. Loài này thường mọc dọc theo thung lũng suối hoặc nơi râm mát trên sườn núi có nhiều đá lộ thiên. Cây trà hoa cao tới 8m, mang những bông hoa lớn màu vàng với cánh hoa to, lá và đài hoa khá dài, phần đầu cuộn lại nhọn và cứng.
Công bố về loài thực vật mới của nhóm nghiên cứu đã đưa tổng số các loài trà ở Việt Nam lên đến gần 100, trong đó có đến gần 80 loài đặc hữu. Đây là những nguồn gen vô cùng quý, hiếm, có tiềm năng dược liệu rất cao. Vì vậy, công tác bảo vệ cũng như nhân giống, phát triển các loài trà ở Việt Nam là cực kỳ quan trọng.
Không chỉ khám phá ra loài trà hoa vàng Văn Lang, trước đó, tháng 4/2023, TS. Phạm Văn Thế đã phối hợp cùng các nhà nghiên cứu đến từ Nhật Bản, Nga, phát hiện ra loài thực vật mới là Ophiopogon muongnhensis (tên tiếng Việt tạm gọi là Mạch môn mường nhé hoặc Xà thảo mường nhé). Loài thực vật mới này ngoài làm cảnh còn có giá trị làm dược liệu, vừa được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế Phytotaxa.
Theo: Báo Điện tử Nhân dân
Thẻ
Gửi thất bại