Chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/07/1947 - 27/07/2024), cũng là dịp tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên về truyền thống yêu quê hương đất nước, nêu cao lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, Chi bộ 8 Đảng bộ Trường Đại học Văn Lang thực hiện buổi sinh hoạt chuyên đề quý 3/2024 tại Huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào một ngày cuối tháng 7. Dẫn đầu đoàn là đồng chí Lê Thu Hằng – Đảng ủy viên, Bí thư chi bộ 8.
Về vùng đất đỏ anh hùng đoàn có dịp ghé khu Di tích lịch sử Nhà lưu niệm và tượng đài nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Đây là nơi lưu niệm, ghi nhớ về những chiến công, tinh thần bất khuất của người nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Chị là nữ chiến sĩ cách mạng kiên trung, hiên ngang trước họng súng kẻ thù, tinh thần yêu nước của chị trở thành biểu tượng của tuổi trẻ và được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Điểm dừng chân tiếp theo là Khu căn cứ núi Minh Đạm. Theo lời kể của đồng chí Võ Thanh Phượng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy - Chủ tịch HDND Thị Trấn Phước Hải - huyện Đất Đỏ (đồng chí là con trai của đồng chí Võ An Ninh - Chủ tàu Tàu Không số đầu tiên), tên núi Minh Đạm là tên của hai đồng chí Bùi Công Minh – Bí thư và Mạc Thanh Đạm – Phó bí thư Huyện uỷ Long Điền trên đường đi công tác về do bị chỉ điểm nên hai đồng chí bị phục kích và hy sinh vào năm 1948, để tưởng nhớ hai người con anh dũng, trung hiếu của cách mạng, Nhân dân đã đặt tên cho ngọn núi này là núi Minh Đạm. Với những điều kiện “địa lợi - nhân hoà” Minh Đạm đã được chọn làm căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Điều đặc biệt nhất với đoàn trong chuyến hành trình đợt này là được gặp người thuyền trưởng Lê Hà, Bác là một trong 6 chiến sĩ Đoàn tàu không số làng chài Phước Hải năm xưa. Bác năm nay đã trên 80 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, nhiệt tình ra tận cửa đón từng thành viên của đoàn, vừa ngồi xuống chúng tôi đã bị cuốn ngay vào những câu chuyện bác kể. Tìm hiểu thêm về bác chúng tôi biết, sau những năm tháng cảm tử, dâng hiến thanh xuân mình cho cách mạng, nay Bác trở về cuộc sống hòa bình nhưng không ngừng cống hiến, luôn sẵn sàng truyền đạt lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ ở Làng chài Phước Hải, với “hàng trăm câu chuyện chiến đấu, hàng chục buổi trò chuyện với học sinh, thanh niên, dân quân, cựu chiến binh trong xã là ngần ấy lần ông truyền đi hình ảnh về bản lĩnh cao đẹp, trí tuệ kiên cường, dũng khí kiên trung, tận trung với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ”[1]. Vì hành trình phải tiếp tục, đoàn chia tay bác với nhiều câu chuyện còn dang dở, hẹn bác một ngày không xa để nghe trọn vẹn hành trình bác đã đi.
Vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng, là cái nôi nuôi dưỡng nhiều thế hệ sẵn sàng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, là niềm tự hào cho biết bao thế hệ. Đau thương, mất mát cũng khép lại, Làng chài Phước Hải đã chuyển mình, thay đổi mạnh mẽ để có được những thành tựu như hôm nay - hai bên đường với những hàng cây xanh mướt, những cánh đồng lúa trải dài, cảm nhận tiếng sóng biển rì rào, ngân vang câu hát, “Mùa hoa Lê - ki - ma nở/ Ở quê ta miền Đất Đỏ/ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa Lê - ki - ma nở/ Đời sau vẫn còn nhắc nhở/ Sông núi đất nước ơn người anh hùng/ Đã chết cho đời sau…”.
Bài: Bùi Tá Thạnh – Phó bí thư Chi bộ 8
Hình ảnh: Tập thể Chi bộ 8
Thẻ
Gửi thất bại