Tại buổi gặp gỡ cán bộ, giảng viên, sinh viên khối ngành Khoa học Sức khỏe Trường Đại học Văn Lang, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn - Bác sĩ, chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực hô hấp đã khẳng định: “Mỗi nghiên cứu, đề tài trong lĩnh vực khoa học sức khỏe là một nấc thang. Muốn đi xa, đạt được những tiến bộ đáng kể, ta phải xây dựng nấc thang ấy thật vững chắc, kiên cố để vượt qua thử thách của thời gian.”
Tại buổi giao lưu đầu tiên diễn ra ngày 12/04/2024, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn đã chia sẻ cùng cộng đồng khối ngành Khoa học Sức khỏe Trường Đại học Văn Lang chủ đề “Y học thế kỷ 21: Tầm nhìn, cơ hội và thách thức”. Ông được biết đến là chuyên gia quốc tế hàng đầu trong lĩnh Y học, Sinh lý học hô hấp. Với nhiều cống hiến giá trị cho việc nghiên cứu về sinh lý hệ hô hấp, sinh lý bệnh các bệnh về phổi, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn là chủ nhân của nhiều giải thưởng về Y học như Giải thưởng nghiên cứu lâm sàng - Quỹ Nghiên cứu Y học, Paris (Pháp); giải thưởng Khoa học Y học xuất sắc - Quỹ Nghiên cứu Y học người Mỹ gốc Việt, Los Angeles (Hoa Kỳ),...
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Với mong muốn định hướng người học trở thành những con người mang lại tác động tích cực cho xã hội, Trường Đại học Văn Lang luôn đặt ra những câu hỏi trong quá trình đào tạo: Trước một kỷ nguyên có quá nhiều biến động và thách thức, làm thế nào để sinh viên có thể bắt kịp những đổi mới, công nghệ và mở rộng tầm nhìn. Từ kiến thức mà GS. Đinh Xuân Anh Tuấn đã chia sẻ, tôi kỳ vọng cán bộ, giảng viên, sinh viên Văn Lang có thể tích lũy thêm nhiều bài học mới hữu ích, lấy đó làm động lực để phát triển, góp phần vào công cuộc thay đổi tích cực xã hội, nơi chúng ta đang sống.”
Xuyên suốt chủ đề, giáo sư đã giới thiệu đến người tham dự các khái niệm và tổng quan lịch sử hình thành của y học phương Đông và phương Tây. Theo GS. Đinh Xuân Anh Tuấn, Y Khoa là lĩnh vực không ngừng thay đổi và trách nhiệm của nhà khoa học chính là gắng công xây dựng nền tảng vững chắc, lý giải, khẳng định và củng cố những sự thật vốn hiện hữu ấy. “Mỗi nghiên cứu, đề tài trong lĩnh vực Khoa học Sức khỏe là một nấc thang. Muốn đi xa, đạt được những tiến bộ đáng kể, ta phải xây dựng nấc thang ấy thật vững chắc, kiên cố để vượt qua mọi thử thách của thời gian” - GS. Đinh Xuân Anh Tuấn quan niệm.
Chia sẻ về bước đột phá của ngành Y Sinh học, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn giới thiệu và phân tích hai khái niệm “necrosis” và “apoptosis”, giúp người tham dự nhận biết rõ hơn về các hiện tượng hoại tử và sự cần thiết của hiện tượng apoptosis cho cơ thể người. GS. Đinh Xuân Anh Tuấn cho biết, “apoptosis” là hiện tượng đã diễn ra trong cơ thể người từ lúc còn là bào thai, sự ra đi “tự nguyện” và cần thiết của các tế bào này giúp hình thành các cơ quan rỗng và hoàn thiện các bộ phận cơ thể, tránh dị tật không mong muốn.
Bàn về mối tương quan giữa môi trường và cơ địa, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn cho biết môi trường có những những tác động nhất định đến bộ gen và kiểu hình của con người. Theo đó, sự tương quan giữa môi trường và cơ địa bắt buộc phải đi qua di truyền biểu sinh. Đồng thời, giáo sư nhấn mạnh, sự ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp, tim mạch, thiếu máu cục bộ và ảnh hưởng đến quá trình lão hóa của con người. Ví von cơ chế đóng mở gen của tế bào như việc lật mở những trang sách, giáo sư cho rằng sự thay đổi của môi trường sẽ tác động đến cơ hội duy trì những chương sách thời trẻ và làm hạn chế sự lão hóa của cơ thể. Việc hiểu rõ cơ chế di truyền biểu sinh sẽ giúp người học, người nghiên cứu theo sát những bước tiến mới, lý giải các hiện tượng không thể giải thích trong quá khứ và mang lại nhiều đóng góp giá trị cho khoa học tương lai.
Cơn bão công nghệ hóa, số hóa đang tác động đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó bao gồm lĩnh vực khoa học sức khỏe. Công nghệ tiên tiến tạo nên nhiều lợi thế đột phá, đồng thời cũng mang đến thách thức và nguy cơ bị thay thế cho nguồn nhân lực công tác trong lĩnh vực y khoa tương lai. Chia sẻ quan điểm của mình, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn tin tưởng: “AI đã đến và sẽ tiếp tục đến tuy nhiên, điều tối hậu vẫn là con người.” Giáo sư cho rằng, trí thông minh nhân tạo được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng đáng kinh ngạc song chưa biết nhận thức và phản ứng về mặt cảm xúc như con người, mà đấy lại là điều then chốt. Ngày nay, AI có thể giúp ta đi nhanh hơn trên con đường phát triển những nghiên cứu, sáng tạo khoa học nhưng con người cần nhận thức và xác định rõ vai trò trung tâm của mình: con người chính là yếu tố quan trọng và then chốt trong bức tranh tổng thể của lĩnh vực y khoa.
Để trở thành những bác sĩ, nhà khoa học đóng góp cho xã hội, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn khuyến khích sinh viên Văn Lang chú trọng khối kiến thức lâm sàng và những kiến thức cơ bản nhất để xây dựng một nền tảng vững chắc, vốn kinh nghiệm thực tiễn dồi dào. Với nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò là nhà nghiên cứu, đồng thời là người giảng dạy cho các thế hệ sinh viên ngành Y tại Pháp, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn nhận định vai trò của nhà giáo không nhất thiết nằm ở việc phải giảng dạy tất cả cho người học. “Những gì chúng ta làm trong hôm nay sẽ tốt cho ngày sau và tương lai. Đừng nghĩ những gì thầy nói sẽ luôn đúng mãi.” Người thầy phải là người đưa ra những kiến thức đáng tin cậy và giúp người học khơi gợi trí tò mò, đi tìm lời giải đáp những thắc mắc.
Tiếp nối chuỗi hoạt động kết nối, giao lưu và trao truyền kiến thức cho giảng viên, sinh viên khối ngành Khoa học Sức khỏe Trường Đại học Văn Lang, GS. Đinh Xuân Anh Tuấn tiếp tục thực hiện bài giảng đại chúng thứ hai vào ngày 15/04/2024, chia sẻ về vai trò của Oxy đối với sức khỏe và bệnh tật theo thuyết Âm - Dương; đồng thời nhìn lại những thay đổi của ngành Y dược 50 năm qua, từ đó dự đoán, chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu những thách thức mới trong 25 năm sắp tới.
Tin: Thanh Tâm
Hình: Khánh Thịnh - Đắc Khánh
Thẻ
Gửi thất bại