Diễn văn Hiệu trưởng - Lễ tốt nghiệp lần thứ 26 của Trường Đại học Văn Lang

Tác Giả
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu
Ngày
14/08/2024(2378 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Trong 04 ngày 08, 09, 10 và 11/08/2024, Trường Đại học Văn Lang long trọng tổ chức Lễ tốt nghiệp lần thứ 26 và trao Bằng tốt nghiệp cho các tân thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân, dược sĩ và kiến trúc sư. Tại sự kiện, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang gửi lời chúc mừng và nhắn gửi tâm huyết đến tân thạc sĩ, tân cử nhân, dược sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư cùng phụ huynh.

Các Tân khoa thân mến, 

Khóa 26 bắt đầu hành trình học đại học vào năm 2020, khi Văn Lang định hình sứ mệnh đào tạo những con người mang tác động tích cực truyền cảm hứng cho xã hội. Các bạn là thế hệ sinh viên được đầu tư cho sự trải nghiệm toàn diện hơn về mọi mặt; được rèn luyện để đạt được yêu cầu khắt khe hơn về năng lực chuyên môn; được đầu tư để đạt năng lực ngoại ngữ ở mức IELTs 6.0; được chuẩn bị để thích ứng linh hoạt với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ cũng như được trang bị những kỹ năng cần thiết của công dân thế kỷ 21. Các bạn là khóa sinh viên đặc biệt khi bước vào năm thứ nhất đại học ở thời kỳ cả thế giới đối mặt với khủng hoảng từ đại dịch Covid-19. Các bạn cũng là khóa sinh viên đặc biệt gắn liền với những cột mốc lịch sử đáng tự hào của Văn Lang trong 4 năm qua, chứng kiến Văn Lang xuất hiện trên bản đồ của các trường đại học trên thế giới: đạt QS 4 sao vào năm 2021; được xếp hạng 117 các trường đại học hàng đầu ở Đông Nam Á, 701-750 các trường đại học hàng đầu ở Châu Á vào năm 2023 theo bảng xếp hạng QS; thuộc nhóm 801-1000 các trường đại học trên thế giới vì mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2024 theo THE impact ranking. Nhà trường cũng đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn kiểm định của FIBAA vào năm 2024.

Chúng ta có mặt ở đây ngày hôm nay để chúc mừng các bạn đạt được thành tựu rất ý nghĩa và quan trọng trong đời – tốt nghiệp đại học và tốt nghiệp cao học. Với các bạn tốt nghiệp đại học, bước ngoặt này đánh dấu sự trưởng thành; thành tựu này không chỉ cho bạn tấm bằng tốt nghiệp, mà quan trọng hơn là giúp định hình tâm thế và cuộc sống lâu dài của các bạn về sau. 

vlu-dien-van-hieu-truong-le-tot-nghiep-lan-thu-26-cua-vlu-a.jpg
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu đọc Diễn văn tốt nghiệp chúc mừng các tân thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân, dược sĩ và kiến trúc sư tốt nghiệp năm 2024.

Trong ngày đặc biệt này, tôi muốn cùng các bạn ngẫm nghĩ lại một chút về thời đại mà chúng ta đang sống để các bạn có một cái nhìn, một định hướng và một sự chuẩn bị cho cuộc hành trình phía trước của mình. Vài năm gần đây, chúng ta nghe rất nhiều bàn luận và nhận định được lặp đi lặp lại rằng chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên với những thay đổi và thách thức chưa từng thấy. Đại dịch Covid-19, những cuộc xung đột lớn quay trở lại trên thế giới,… là những ví dụ điển hình. Bên cạnh đó là những lo ngại, thách thức thường trực ở rất nhiều vấn đề, từ sự ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, đến già hóa dân số, đến chia rẽ và bất bình đẳng xã hội. Đặc biệt, chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, có thể định hình lại mọi mặt của đời sống xã hội. Mấy năm qua, chúng ta thấy cả thế giới bàn rất nhiều về trí tuệ nhân tạo (AI); và trong hơn một năm nay, ChatGPT ngày càng trở nên phổ biến và có lẽ sẽ sớm trở thành một công cụ tìm kiếm như chúng ta dùng hằng ngày bấy lâu nay. Điều làm tôi thật sự chú ý về vấn đề này là khi đọc bài viết “Thời đại của AI đã bắt đầu” của Bill Gates vào ngày 21/3/2023, khi ông nhận định về tính cách mạng mà AI mang lại: 

“Sự phát triển của AI có tầm vóc quan trọng như việc phát minh ra bộ vi xử lý, máy tính cá nhân, mạng Internet, và điện thoại di động. Nó sẽ thay đổi cách mà con người làm việc, học tập, di chuyển, chăm sóc sức khỏe, cũng như giao tiếp với nhau. Toàn bộ các ngành nghề sẽ chuyển hướng theo sự phát triển ấy. Các doanh nghiệp sẽ tạo nên điểm riêng biệt của mình qua việc họ sử dụng AI hiệu quả như thế nào.”

AI được xem là một công nghệ đa dụng[2] – tương tự như động cơ hơi nước, điện năng, hay công nghệ thông tin và truyền thông gắn với các cuộc cách mạng công nghệ trước đây - hứa hẹn sẽ mang lại tác động rộng khắp trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, kinh tế, và xã hội nói chung. Cũng như những cuộc cách mạng công nghệ trước đây, AI được kỳ vọng sẽ tạo ra “sự phá hủy mang tính sáng tạo”[3] – công nghệ mới sẽ phá bỏ những phương thức cũ, những phương thức mới sẽ hình thành ở một mức phát triển cao hơn. Trong quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc này, có những cái mất và được, nhiều công việc cũ sẽ biến mất, nhiều người sẽ mất việc; nhưng chắc chắn rất nhiều cơ hội mới cũng sẽ nảy sinh. Về tổng thể, sự phá hủy mang tính sáng tạo cuối cùng là điều tốt cho sự tiến bộ xã hội nói chung, và chúng ta nên chủ động đón nhận điều đó. 

Một ước tính thận trọng của Ngân hàng Goldman Sachs năm vừa rồi đưa một dự đoán rằng có khoảng 300 triệu việc làm toàn thời gian trên thế giới có nguy cơ bị AI thay thế trong thập kỷ tới; con số này tương đương gần 10% lực lượng lao động toàn cầu[4]. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: AI sẽ thay thế hay bổ trợ cho người lao động? Trong khi chưa có câu trả lời rõ ràng, mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn tốt nghiệp hôm nay và sẽ tham gia vào thị trường lao động nay mai, cần ứng xử như thế nào để thích nghi với xu thế này? Các bạn có cảm thấy lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình? Các bạn suy nghĩ gì khi trong tương lai không xa có khả năng công việc của các bạn, với những kiến thức và kỹ năng học được ở Văn Lang, có thể sẽ được AI thay thế? Nếu như thế thì các bạn cần chuẩn bị gì để thích ứng?

Giả sử rằng công việc của một người nào đó sẽ bị ảnh hưởng bởi AI, câu trả lời cho cho câu hỏi “AI sẽ thay thế hay bổ trợ cho người lao động?” gợi lên một số khả năng: 

(1) người lao động đó, tùy vào công việc của mình, có thể sử dụng AI để tăng năng suất của công việc mình làm; 

(2) nếu công việc của mình bị AI thay thế thì mình có năng lực để tìm một công việc có giá trị gia tăng cao hơn; 

(3) hay chỉ có thể tìm một việc có giá trị gia tăng thấp hơn; 

(4) hay thất nghiệp (tôi không tin rằng các bạn phải thất nghiệp!). 

Đây là những tình huống mà các bạn có thể phải đối diện trong một tương lai không xa. Nếu điều này xảy ra, tôi kỳ vọng các bạn sẽ nắm bắt được cơ hội ở tình huống (1) và (2). 

vlu-dien-van-hieu-truong-le-tot-nghiep-lan-thu-26-cua-vlu-b.jpg
Như một truyền thống được giữ gìn và phát huy, Lễ Tốt nghiệp của Trường Đại học Văn Lang được đầu tư và chăm chút để vinh danh từng tân khoa, đón tiếp từng gia đình.

Các Tân khoa thân mến, 

Những viễn cảnh về thế giới như nêu trên, những thách thức chung của xã hội, sự xuất hiện của AI,… thoạt đầu có lẽ làm cho chúng ta có chút bi quan. Tuy nhiên, tôi luôn nhìn vào mặt tích cực của mọi vấn đề, cũng như sức mạnh lý trí và tinh thần của con người để có thể đối mặt và giải quyết chúng. Các bạn cần nhìn nhận rằng trong mọi thách thức luôn có những cơ hội, và hãy luôn tìm thấy cơ hội trong mỗi thách thức đặt ra. Hãy chủ động tìm ra những cơ hội mà AI có thể mang lại cho ngành nghề của các bạn, cho việc phát triển năng lực của các bạn. Hãy tìm hiểu ngay bây giờ. Nếu các bạn làm tốt được điều này, các bạn có sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai và điều này sẽ giúp cho các bạn thích ứng được với xu thế mới. Và, tôi tin các bạn có thể làm được. Các bạn luôn có thể là một phiên bản tốt hơn nữa. Bốn năm học ở Văn Lang, các bạn đã có cơ hội học hỏi, cải biến bản thân và lớn lên; các bạn đã xây dựng được cho mình thái độ và năng lực tự chủ để từ hôm nay các bạn có thể tự suy xét, lựa chọn, chịu trách nhiệm, trở thành con người mình mong muốn, vạch ra con đường của riêng mình, và kiến tạo giá trị mình theo đuổi. 

Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, lòng kiên trì, sức mạnh lý trí và tinh thần, sự dũng cảm để dám biết, để dám dấn thân, khả năng tự khai sáng, liên tục học hỏi và thích ứng, cùng với hoài bão và năng lực, sẽ giúp các bạn vượt qua mọi thử thách trong hành trình của mình phía trước. 

vlu-dien-van-hieu-truong-le-tot-nghiep-lan-thu-26-cua-vlu-c.jpg
Trường Đại học Văn Lang dành tặng tân khoa con đường hoa trạng nguyên rực rỡ thay cho lời chúc thành công.

Các Tân khoa thân mến,

Ngày hôm nay đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình mới đầy thú vị và thử thách cho các bạn; các bạn độc lập, tự chủ hơn, nhưng đồng thời cũng phải tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình. Có ba điều tôi muốn chia sẻ và gửi gắm với các bạn mà tôi tin rằng sẽ giúp ích cho các bạn trong hành trình phía trước. 

1. Điều thứ nhất là phương cách để đối diện và thích ứng với sự thay đổi, với những thách thức như tôi đã đề cập ở trên 

Phương thức chung hữu hiệu nhất để không ngừng thích ứng là các bạn luôn ý thức về bản thân và vai trò của mình trong xã hội, và ý thức về sự thay đổi đang diễn ra trong thế giới xung quanh mình. Nói cách khác, các bạn cần ý thức về vai trò của mình trong tương tác với xã hội và luôn nhìn nhận lại sự phù hợp của mình so với sự thay đổi của thế giới, từ đó có thể chủ động thích ứng. Tôi tin rằng, có ý thức về bản thân mình và sự thay đổi xung quanh sẽ tạo nên sự khác biệt tích cực cho bản thân và xã hội nói chung. Làm được điều nàycác bạn sẽ có thể sống một cuộc đời với tâm thế đầy chủ động, có thể sống một cách trọn vẹn và ý nghĩa với những giá trị mình theo đuổi, và có thể đối diện hiệu quả với mọi sự biến động và thay đổi. 

Tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều rằng, ý thức về sự tồn tại của bản thân trong xã hội cần được hiểu một cách rộng hơn, ngoài những quan tâm về kinh tế hay công việc. Thế giới không chỉ có vấn đề AI, mà còn có rất nhiều thách thức cần sự chung tay hành động của tất cả chúng ta, trong đó có các bạn. Các bạn hãy thử dừng lại, và dành sự chú ý của mình để quan sát và suy nghĩ xem có những vấn đề gì có ảnh hưởng lên cuộc sống của bạn, của cộng đồng, và sự phát triển của xã hội nói chung. 

Trong rất nhiều vấn đề của xã hội ngày nay, môi trường và phát triển bền vững là một trong những quan tâm lớn nhất. Các bạn thử hình dung về trái đất mà chúng ta đang sống và hằng ngày mình tác động lên trái đất như thế nào. Như trong thông điệp tôi gửi đến các bạn nhân Ngày Môi trường thế giới trong tháng 6 vừa rồi, tôi kỳ vọng mỗi bạn ở đây sẽ là một đại sứ môi trường trong cuộc sống riêng hằng ngày, trong cộng đồng, trong công việc của mình. 

Và còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác cần sự chú tâm của các bạn. 

2. Điều thứ hai tôi muốn nói là các bạn cần dám nghĩ lại 

Như tác giả Adam Grant – một tác giả khoa học đại chúng người Mỹ, giáo sư chuyên về tâm lý học tổ chức -  đã chỉ ra rằng “một cách tự nhiên theo bản năng con người, chúng ta có khuynh hướng tự đóng khung suy nghĩ của mình, trung thành với những hiểu biết, thói quen và niềm tin của mình”. Điều này thường làm ta mắc kẹt trong thiên kiến xác nhận (chỉ nhìn thấy những gì mình tin) hoặc thiên kiến mong chờ (chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy), và thường tự tin quá mức về hiểu biết của mình. Ở góc độ xã hội, ta tìm thấy “cảm giác thuộc về” với nhóm người đồng tình với mình, và do đó có xu hướng tiếp tục ở yên trong nhóm đó. Kết quả là làm ta dễ rơi vào vòng lặp tư duy cố chấp: tin tưởng quá mức một điều, rồi chỉ nhìn thấy những gì củng cố niềm tin đó, và tiếp tục tự phụ, khư khư ôm lấy những quan điểm, niềm tin cũ kỹ. 

Dám nghĩ lại bắt đầu bằng tâm thế khiêm nhường để nhận diện những thiếu sót của bản thân, giúp ta mở ra cánh cửa hoài nghi với những điều đã biết bằng tất cả sự sáng suốt của mình. Từ đó, cuộc hành trình tiếp tục tìm kiếm tri thức đưa ta đến những khám phá mới, làm mới bản thân, rồi nhờ đó ta tiếp tục nuôi dưỡng tính khiêm nhường của mình. Tôi mong các bạn luôn có thể dám nghĩ lại, để sẵn sàng đón nhận sự đa dạng và khác biệt, để mình luôn có thể khiêm nhường hơn, hiếu kỳ hơn, thoải mái hơn với sai lầm, thất bại; và biết cách cài đặt năng lực dám nghĩ lại vào cuộc sống và công việc hằng ngày. 

3. Điều thứ ba tôi muốn gửi gắm là các bạn luôn giữ tinh thần nhân văn rộng mở trong suốt hành trình cuộc đời phía trước 

Điều này trước hết có hàm ý rằng, trong hành trình phía trước, dù có ở đâu, làm gì, các bạn cũng cần nghĩ đến tác động tích cực cuối cùng mang lại cho con người, cho xã hội. Tinh thần này được dẫn dắt bởi lương tâm của các bạn, và được thể hiện ở sự thấu cảm và lòng trắc ẩn của các bạn đối với cuộc sống, đối với cộng đồng, đối với xã hội. 

Tôi mong các bạn luôn giữ sự nhiệt tình và quan tâm với xã hội, hòa nhập và gắn kết với cộng đồng bằng một tâm thế rộng mở, chủ động kiến tạo và lan tỏa các giá trị tích cực, góp tay cùng giải quyết những thách thức chung, và tìm thấy được sự thú vị và ý nghĩa của cuộc sống trong đó. 

Cuối cùng, tôi cũng mong rằng những giá trị cốt lõi của con người Văn Lang “Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo” sẽ được các bạn tiếp tục gìn giữ, trân trọng và lan tỏa trong cuộc đời phía trước. Các bạn sẽ là những đại sứ của Văn Lang, mang lại những tác động tích cực truyền cảm hứng cho xã hội và mang hình ảnh của Việt Nam ra thế giới

vlu-dien-van-hieu-truong-le-tot-nghiep-lan-thu-26-cua-vlu-d.jpg
Phụ huynh cử nhân Đinh Văn Tiến – thủ khoa Khóa 26 ngành Quan hệ Công chúng xúc động chúc mừng con trai ngày tốt nghiệp.

Kính thưa quý vị phụ huynh!

Thành công của các em ngày hôm nay không thể đạt được nếu không có tình yêu thương vô bờ bến của quý phụ huynh và sự chia sẻ của những người thân yêu trong gia đình. Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, tôi trân trọng cảm ơn Quý vị phụ huynh đã đồng hành với Nhà trường và tạo điều kiện để các em vững tâm hoàn thành chương trình học. 

Trân trọng cảm ơn Quý Thầy Cô giáo, các cán bộ - nhân viên trong toàn Trường đã tận tình giảng dạy, dìu dắt, giúp đỡ các em hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình. 

Một lần nữa, thay mặt toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường xin chúc mừng, các tân thạc sĩ, cử nhân nhận Bằng tốt nghiệp hôm nay. Hành trình của các bạn chỉ mới bắt đầu, và tôi tin chắc rằng các bạn sẽ tiếp tục tỏa sáng bằng niềm đam mê, khả năng thích ứng, tinh thần trách nhiệm và mục đích của mình. Hãy đón nhận cuộc phiêu lưu đầy hứa hẹn phía trước, vì bạn là tác giả của câu chuyện của chính mình, và thế giới đang chờ đợi những chương bạn sẽ viết. Hãy nhớ rằng gia đình, thầy cô, bạn bè và Nhà trường luôn bên cạnh các bạn và các bạn là niềm tự hào của Trường Đại học Văn Lang.

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu 
Thành viên Hội đồng Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang

Thẻ