“Dự án WINNER với mục tiêu không chỉ tìm ra giải pháp cho môi trường mà còn liên quan đến đời sống, sức khỏe con người. Đây là vấn đề cấp bách cần được thảo luận, trao đổi và lắng nghe ý kiến đến từ các chuyên gia về tiềm năng ở Việt Nam nói riêng và các nước Châu Á, Châu Phi nói chung.” - PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu nhận định về độ quan trọng của dự án trong Hội thảo WINNER, được tổ chức vào sáng 26/1/2024.
Tham gia chương trình Phát triển bền vững toàn diện Wageningen 2023 (WGS-2023), Khoa Môi trường Trường Đại học Văn Lang hợp tác với Đại học và Nghiên cứu Wageningen (Hà Lan) xây dựng đề cương nghiên cứu dự án “Water-sanitation system transition IN Asian and African cities Enhanced (peri) urban food production through Resource circularity” (WINNER) - chuyển đổi hệ thống cấp nước và vệ sinh ở các Thành phố Châu Á và Châu Phi để tăng cường sản xuất nông nghiệp thông qua tuần hoàn tài nguyên. Hội thảo WINNER được tổ chức vào sáng 26/1/2024 nhằm thu thập thông tin từ các bên liên quan và xây dựng đề cương chi tiết cho dự án
Mục tiêu của dự án WINNER nhằm giảm thiểu các rủi ro sức khỏe, tăng cường sản xuất nông nghiệp địa phương và cải thiện phúc lợi xã hội khi áp dụng hệ thống tuần hoàn nước - vệ sinh môi trường - nông nghiệp tại các khu dân cư. Được biết, đề cương nghiên cứu sơ bộ của dự án đã trúng tuyển vòng sơ khảo của chương trình WGS-2023. Để xây dựng và ứng tuyển đề cương nghiên cứu chính thức, nhóm chuyên gia của hai trường đã phối hợp tổ chức hội thảo các bên liên quan về nhu cầu thực tế tại địa phương, mong muốn và những thách thức đối với các giải pháp tuần hoàn nước - vệ sinh đô thị - môi trường - nông nghiệp.
Để làm rõ những thách thức, rào cản cần đối mặt khi bắt tay thực hiện dự án, các chuyên gia đã cùng trao đổi về các công trình, giải pháp xử lý và tái sử dụng nước thải tại đô thị và vùng ven đô thị tại TP.HCM và địa bàn lân cận, hướng tới mong muốn đa dạng hóa hệ thống phục vụ xử lý và tái chế nước thải. Các chuyên gia tham dự cũng chia sẻ về vấn đề nhu cầu nước tưới tiêu cho TP.HCM và Cần Thơ, nêu rõ hiện trạng cơ sở hạ tầng xử lý và tái sử dụng nước thải sinh hoạt của TP.HCM và Cần Thơ; đồng thời thảo luận các vấn đề cấp nước, tái sử dụng nước thải, tưới tiêu trong nông nghiệp.
TS. Kujawa-Roeleveld Katarzyna - Giảng viên và nhà nghiên cứu về kỹ thuật hệ thống đô thị tại Trung tâm Nghiên cứu Đại học Wageningen đã phác thảo những thông tin chi tiết về dự án WINNER và chương trình phát triển bền vững 2023. Trong tình hình lượng nước toàn cầu đang có sự biến động lớn, ngày càng gia tăng tỷ trọng ô nhiễm, dự án cần được triển khai nhanh chóng, tập trung giải quyết các vấn đề xây dựng bối cảnh chiến lược chuyển tiếp hệ thống thực phẩm vệ sinh nước cụ thể cho không gian đô thị ở châu Á và châu Phi, đóng góp vào việc thu hồi tài nguyên, tăng cường sản xuất lương thực địa phương, cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng), TS. Lê Thị Phương Trúc chia sẻ thông tin về hiện trạng cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải tại TP.HCM. Thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng các nhà máy xử lý nước thải để đến năm 2025 phấn đấu đạt 70% lượng nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý hiệu quả trước khi thải ra môi trường, hướng đến mục tiêu hệ thống xử lý kết hợp hiệu quả cao hơn, cho phép ít lãng phí, tiết kiệm năng lượng và tái chế tài nguyên tốt hơn.
Năm 2022, 88% hộ gia đình ở Indonesia đã được tiếp cận với hệ thống xử lý nước thải cơ bản. Tuy nhiên vẫn còn hơn 50/270 triệu dân số vẫn chưa được sử dụng những hệ thống xử lý hoàn chỉnh. TS. Indra Firmansyah đề xuất một số biện pháp tăng tốc dịch vụ nước thải sinh hoạt nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều thách thức phải đối mặt ở cả hai mặt thái độ của cộng đồng và mức độ ưu tiên của Chính phủ.
Từ hiện trạng, các nhà khoa học và chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về các công trình, giải pháp xử lý và tái sử dụng nước thải tại đô thị và vùng ven đô thị những tại khu vực cụ thể ở TP.HCM. Từ đó hướng tới đa dạng hoá các hệ thống phục vụ xử lý và tái chế nước thải, xoay quanh 4 chủ đề chính:
(1) Nhu cầu về nước tưới tiêu cho TP.HCM và Cần Thơ;
(2) Hiện trạng cơ sở hạ tầng về xử lý và tái sử dụng nước thải sinh hoạt của TP.HCM và Cần Thơ;
(3) Những vấn đề cần cải thiện (cấp nước, tái sử dụng nước thải, tưới tiêu trong nông nghiệp);
(4) Những thách thức/ rào cản cần đối mặt.
Hy vọng rằng dự án sẽ triển khai thuận lợi trong tương lai, mang đến những kết quả nghiên cứu ý nghĩa cho cộng đồng và góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác gần 25 năm giữa Trường Đại học Văn Lang và Đại học và Nghiên cứu Wageningen.
Đại học và Nghiên cứu Wageningen thuộc khối trường Đại học Wageningen và các sở nghiên cứu nông nghiệp (WUR). Trường thành lập năm 1876, tiền thân là trường Đại học Nông nghiệp. Năm 1918, WU được đưa vào danh sách trường công lập của Hà Lan. Trải qua hơn trăm năm, trường Đại học Wageningen tự hào là trường đại học nghiên cứu uy tín nhất tại Hà Lan, đào tạo chủ yếu vào lĩnh vực môi trường, thiên nhiên, nông nghiệp và kỹ thuật, sức khỏe con người và động vật. Trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới năm 2024 – Times Higher Education, Đại học và Nghiên cứu Wageningen nằm ở xếp hạng 64 toàn cầu, top 3 trường đại học tốt nhất Hà Lan. |
Tin: Khánh Linh
Hình: Minh Hoàng
Thẻ
Gửi thất bại