Chương trình thuyết giảng Nghi lễ Văn hóa thờ Mẫu - buổi học quý báu với sinh viên Văn Lang

Tác Giả
Anh Thư
Ngày
01/04/2025(32 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập trường, ngày 02/04/2025, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Chương trình “Thuyết giảng Nghi lễ Văn hóa thờ Mẫu” nhằm giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu qua màn trình diễn nghi lễ huyền ảo, sống động.

Sự kiện là dịp để sinh viên tiếp cận sâu hơn với nét đẹp tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận vào ngày 01/12/2016. Đây cũng là cơ hội để Trường Đại học Văn Lang tiếp tục khẳng định vai trò là đơn vị giáo dục tiên phong trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Chương trình hân hạnh đón tiếp TS. Nguyễn Xuân Diện - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có hơn 30 năm công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - với vai trò diễn giả. TS. Nguyễn Xuân Diện chuyên tâm nghiên cứu nghệ thuật dân gian như: ca trù, chèo, quan họ, xẩm, văn hóa làng xã Bắc Bộ, văn hóa Hán Nôm, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu. 

vlu-chuong-trinh-thuyet-giang-nghi-le-van-hoa-tho-mau_a.jpg

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là hệ thống các niềm tin tâm linh độc đáo, tôn vinh các vị nữ thần có vai trò sáng tạo, bảo trợ và che chở cuộc sống con người. Nét đẹp của tín ngưỡng này thể hiện ở nhiều khía cạnh. Trước hết là ca ngợi vai trò phụ nữ và lòng từ bi của Mẫu - người mẹ thiêng liêng. Thứ hai, tín ngưỡng thờ Mẫu gắn liền với các nghi lễ trang trọng, đặc biệt là nghi lễ hầu đồng. Thứ ba, tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn đối với thiên nhiên và những người có công với cộng đồng. Các đền, phủ thờ Mẫu thường là những không gian văn hóa công cộng, góp phần gắn kết cộng đồng, hun đúc tinh thần đoàn kết và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Cuối cùng, tín ngưỡng thờ Mẫu mang giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều thiện lành, đề cao sự công bằng và lòng trắc ẩn trong cuộc sống.

TS. Nguyễn Xuân Diện nhấn mạnh vai trò của hầu đồng - nghi lễ quan trọng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là sự kết tinh hài hòa của âm nhạc, vũ đạo và ngôn ngữ hình thể nhằm tôn vinh các vị Thánh Mẫu trong tín ngưỡng Tam phủ - Tứ phủ.

Bên cạnh kiến thức học thuật, chương trình còn chuyển tải nghi lễ hầu đồng độc đáo do Đội Cung văn và các nghệ nhân Đền Phủ Dầy (TP.HCM) trình diễn. Khán giả được chiêm ngưỡng các giá hầu đặc trưng bao gồm: giá hầu Cô Đôi Thượng Ngàn, giá hầu Cô Bơ Thoải và giá hầu Cô Chín Sòng Sơn.

1 / 6
2 / 6
3 / 6
4 / 6
5 / 6
6 / 6

Nghi lễ hầu đồng là sự kết tinh hài hòa của âm nhạc, vũ đạo và ngôn ngữ hình thể.

Màn trình diễn đã tái hiện những giá trị tâm linh - nghệ thuật thông qua hình thức diễn xướng đậm đà sắc màu truyền thống. Trong không gian linh thiêng của hội trường, từng động tác uyển chuyển, âm nhạc cổ xưa và trang phục rực rỡ đã tạo nên trải nghiệm sống động, giúp người xem thêm mến yêu chiều sâu văn hóa dân gian. Đặc biệt, một trong những nghệ nhân tham gia trình diễn hầu đồng đã 87 tuổi. Điều này thực sự khiến cả khán đài bất ngờ và xúc động.

vlu-chuong-trinh-thuyet-giang-nghi-le-van-hoa-tho-mau_g.jpg
Nữ nghệ nhân hầu đồng (thứ bảy từ trái qua) dù gần 90 tuổi vẫn nhiệt huyết với nghề

Chương trình “Thuyết giảng Nghi lễ Văn hóa thờ Mẫu” khuyến khích sinh viên Văn Lang tìm hiểu tín ngưỡng dân gian, từ đó khơi gợi niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa trong hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học Văn Lang.

Tin: Anh Thư
Hình: Trâm Lê

Thẻ