Tối ngày 03/12/2022, tại Hội trường Trịnh Công Sơn, Trường Đại học Văn Lang kết hợp cùng Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức chương trình giao lưu văn hóa “Âm vang đại ngàn”, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc của Tây Nguyên.
Chương trình có sự góp mặt của PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang; Nhà báo Dương Trọng Dật – Viện trưởng Viện Đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật và Truyền thông; Nhà thơ Nguyễn Duy – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật và Truyền thông; TS. Hồ Quốc Hùng – Phó Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn; cùng sự góp mặt của các đơn vị Khoa, Phòng, Ban của Trường Đại học Văn Lang.
Đại diện Trường Đại học Tây Nguyên tham dự sự kiện có PGS. TS. Buôn K’rông Tuyết Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Tây Nguyên; TS. Vũ Minh Chiến – Phó Phòng Công tác sinh viên; Nghệ nhân Ưu tú Abiu, nghệ nhân Ae Yoen, nghệ nhân trẻ Wiya… đội chiêng và nhóm múa sinh viên của Trường Đại học Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Để thực hiện chương trình ngày hôm nay, rất cảm ơn sự kết nối của Nhà thơ Nguyễn Duy, Nhà báo Dương Trọng Dật và Khoa Xã hội và Nhân văn. Đây là một nỗ lực thực hiện ước nguyện mang văn hóa Tây Nguyên đến với cộng đồng Văn Lang của KS. Bùi Quang Độ - Cố Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trường Đại học Văn Lang. Mong muốn của Nhà trường chính là lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng tình yêu với đất nước và nghệ thuật cho người trẻ Việt Nam. Đây cũng là nền móng cho sự hợp tác của Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Tây Nguyên, để sinh viên hai trường sẽ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau.”
Để tìm hiểu giá trị di sản Cồng chiêng, cũng như tinh thần kết nối giữa Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Tây Nguyên, TS. Hồ Quốc Hùng - Phó Trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn cho biết: “Giá trị di sản Cồng chiêng được UNESCO công nhận sau Nhã nhạc Cung đình Huế. Cho đến nay, Việt Nam có 14 di sản được UNESCO vinh danh. Nghệ thuật Cồng chiêng là di sản phi vật thể thứ 4 được giới thiệu đến sinh viên Văn Lang sau ba chương trình về Ca trù, Nhã nhạc và Quan họ. Tất cả loại hình nghệ thuật của dân tộc ta đều cần phải được khôi phục, bảo tồn và phát triển. Ở Tây Nguyên, các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn được gìn giữ rõ nét ở cộng đồng các dân tộc như Ê đê, Bana, M’nông, Jrai, Bahnar, Sđăng, K’ho, S’tiêng, Mạ, Raglai,…. Đây chính là bảo chứng về ý thức bảo tồn văn hóa trong tư tưởng của người dân nơi đây. Buổi diễn của chúng ta không chỉ được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân tên tuổi mà còn có sự đóng góp của các bạn sinh viên thuộc nhiều sắc tộc, ngành học khác nhau. Điều này thực sự là ý nghĩa lớn của chương trình hôm nay.”
Tại sự kiện, các nghệ nhân cùng sinh viên Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Tây Nguyên đã mang đến cho khán giả các tiết mục giao lưu văn nghệ đặc sắc tái hiện vẻ đẹp của đại ngàn, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc, khám phá văn hóa cồng chiêng và các nghi thức đặc trưng của người dân Tây Nguyên.
Dân tộc Ê đê không chỉ có màu sắc văn hóa độc đáo mà còn có các nghi thức riêng biệt mang tính đặc trưng. Ngay tại sân khấu Trịnh Công Sơn, nghi thức Drông tuê (Đón khách) đã được tái hiện chân thật qua sự thể hiện của đội Cồng chiêng và nhóm múa đến từ Trường Đại học Tây Nguyên.
Vũ đạo uyển chuyển của tiết mục “Không một bài hát nào có thể diễn tả cảm xúc của em ngay lúc này” - tiết mục đạt giải quán quân VanLang’s Got Talent 2022.
Trường Đại học Văn Lang luôn nỗ lực chăm lo đời sống tinh thần cho sinh viên. Nhà trường tổ chức đa dạng các chương trình giao lưu văn hóa trong nhiều năm qua, góp phần giúp sinh viên đến gần hơn với các loại hình văn hóa dân tộc, nâng cao tinh thần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tin: Hiền Lê
Hình: Thịnh Trần - Nhật Huy
Thẻ
Gửi thất bại